Bán đảo Thủ Thiêm từng được ví von như khu Manhattan (New York, Mỹ) của TP.HCM nhờ vị trí đẹp, có dư địa để phát triển thành một khu vực đô thị hiện đại. Bởi vậy mà từ những năm 90 của thế kỷ XX, TP.HCM khởi động việc quy hoạch bài bản để phát triển Thủ Thiêm.
Đến những năm 2000, hình hài của Thủ Thiêm bắt đầu được phác họa qua những bản quy hoạch chi tiết. Năm 2005, bán đảo được xác định sẽ trở thành trung tâm mới của TP.HCM. Từ đó đến nay, việc xây dựng Thủ Thiêm đã bắt đầu thực hiện với những bước đi như hoàn thiện hạ tầng giao thông, các khu đô thị, cảnh quan…
Mới đây, Thành ủy TP.HCM đã thông qua nghị quyết về đầu tư xây dựng hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết từ năm 1996 đến nay đã hơn 23 năm, chưa bao giờ BCH Đảng bộ TP.HCM có một nghị quyết liên quan đến đầu tư phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông nhấn mạnh vấn đề Thủ Thiêm cơ bản có những bước triển khai rõ ràng.
Thủ Thiêm sẽ như thế nào?
Khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở bờ đông sông Sài Gòn đối diện quận 1, tổng diện tích 657 ha. Khu đô thị này được quy hoạch với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, giải trí.
TP.HCM mong muốn Thủ Thiêm sẽ là khu đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên, đồng thời tạo ra nhiều không gian mở, các tiện ích, công trình công cộng phục vụ cho cuộc sống cư dân và người lao động.
Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu vực “lõi trung tâm” chính, khu dân cư phía bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía đông, khu châu thổ phía nam. Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.000 người. Số người làm việc thường xuyên là 217.000 người, trong đó khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.
Phối cảnh đô thị Thủ Thiêm trong tương lai. Ảnh: HCMC. |
Để hiện thực hóa việc xây dựng Thủ Thiêm, bước đi đầu tiên của TP.HCM là đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Đại lộ Mai Chí Thọ là trục xuyên tâm mang tính chiến lược đi qua Thủ Thiêm, kết nối với trung tâm quận 1 bằng hầm qua sông Sài Gòn. Tuyến đường này cũng giúp kết nối nhanh chóng với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, có thể tỏa đi nhiều địa phương khác.
Vì là bán đảo, kết nối của Thủ Thiêm với các khu vực khác cũng được chú trọng đầu tư. Thủ Thiêm đã có Xa lộ Hà Nội và cầu Thủ Thiêm ở phía bắc. Kết nối với quận 1 là cầu Thủ Thiêm 2 đang xây dựng. Trong tương lai sẽ có cầu Thủ Thiêm 4 nối với quận 7 qua khu chế xuất Tân Thuận.
Ở phía đông còn một tuyến đường quan trọng là Đồng Văn Cống, giúp kết nối Thủ Thiêm với đường Võ Chí Công, cảng Cát Lái…
Bên trong nội khu bán đảo cũng có những tuyến đường quan trọng như đại lộ vòng cung, đường ven hồ, đường ven sông, đường châu thổ, đường bắc nam…
Về đô thị, tại đây sẽ có những tòa tháp cao biểu tượng bố trí dọc theo cạnh đại lộ vòng cung và quảng trường trung tâm. Các công trình điểm nhấn, công cộng quan trọng là Trung tâm Hội nghị Triển lãm với cầu đi bộ qua kênh số 1 kết nối với nhà bảo tàng; Nhà hát giao hưởng và Trung tâm Thông tin quy hoạch..
Trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm
Song song với việc phát triển hạ tầng “cứng”, TP.HCM cũng định hướng xây dựng Thủ Thiêm thành một trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế. Điều này có nghĩa Thủ Thiêm không chỉ là nơi để xây dựng lên những tòa nhà chọc trời, tòa nhà biểu tượng, mà nơi đây phải là một cực tăng trưởng mới, tạo ra GDP cho TP.HCM trong tương lai.
Hướng đi trở thành trung tâm tài chính đã được nhiều thành phố trên thế giới áp dụng và thành công. Điển hình như Hong Kong, Thượng Hải, Singapore… đều khá thành công khi trở thành những trung tâm tài chính lớn, có tầm ảnh hưởng trong khu vực.
TP.HCM đang là một trung tâm tài chính thực sự của Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để không dừng lại mà vươn tầm khu vực và quốc tế. Theo tính toán, thành phố đang có 2.138 đơn vị thuộc ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong đó có hội sở, phòng giao dịch, chi nhánh của 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 31 ngân hàng thương mại cổ phần và 4 ngân hàng quốc doanh.
Tổng huy động vốn tại TP.HCM chiếm hơn 24% cả nước và tổng dư nợ cho vay ở địa phương cũng chiếm tới hơn 28% tổng dự nợ cho vay toàn nền kinh tế. Nơi đây cũng chiếm 95% vốn hóa thị trường cứng khoán.
TP.HCM lại có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây được xem là lợi thế "riêng và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm này nghỉ giao dịch. Thành phố cũng cách khoảng 3 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.
Vào giữa năm 2019, UBND TP.HCM đã hiện thực hóa bước đi bằng việc mời gọi nhà đầu tư xây dựng trung tâm tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng vẫn chưa tiến triển nhiều.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng việc xây dựng những công trình hữu hình chưa chắc đã có thể biến nơi đây thành trung tâm tài chính trong một sớm, một chiều. Điều cần làm là có một cơ chế chính sách đặc thù, thông thoáng để các nhà đầu tư tài chính chọn Thủ Thiêm để đầu tư và làm trụ sở. Ngoài ra, TP.HCM có thể đón đầu xu hướng bằng cách mở cửa cho những loại hình tài chính mới như fintech.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thì cho rằng để xây dựng trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm cần nỗ lực không chỉ riêng TP.HCM mà còn cả quốc gia. Nơi đây sẽ là cực tăng trưởng cho cả nước, nơi huy động vốn của cả nền kinh tế. Bởi vậy, rất cần một cơ chế đặc thù cho Thủ Thiêm.
Ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính là tầm nhìn dài hạn, có thể phải tính 20-30 năm. Do đó cần có những bước đi cụ thể và bài bản, hướng tới hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành của thị trường tài chính.
Nguồn lực để xây dựng Thủ Thiêm
Năm 2019, Ban Quản lý đầu tư - xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm thông báo sẽ đấu giá 55 lô đất ở Thủ Thiêm với tổng diện tích hơn 793.000 m2. Số tiền được dự tính sẽ thu về ít nhất 22.000 tỷ đồng theo đơn giá năm 2016-2017. Nghĩa là nếu tính theo đơn giá hiện tại, số tiền còn tăng lên nhiều nữa.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh nguồn lực ngày càng hạn chế, thì việc huy động nguồn lực xây dựng Thủ Thiêm từ chính nó là điều đã và đang được TP.HCM áp dụng.
Trước khi tính đến chuyện bán đấu giá đất, TP.HCM áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư là BT để xây dựng nhiều công trình hạ tầng ở Thủ Thiêm. Đó là cầu Thủ Thiêm 2, các đại lộ vòng cung, đường trục phía bắc, trục bắc nam, đường châu thổ… Đổi lại, nhà đầu tư được khai thác một phần quỹ đất tại Thủ Thiêm.
Một trong những lô đất dự kiến đấu giá ở Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nguồn lực đất đai của Thủ Thiêm là hữu hạn, không thể cứ bán mãi. Thậm chí có thể bán được tiền nhưng chưa chắc đã đủ tiền để đầu tư cho những yêu cầu trong tương lai.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng bản thân Thủ Thiêm đã là một khu vực rất hấp dẫn mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng mong muốn được làm ăn kinh doanh ở đây. Sự hấp dẫn này đến từ tiềm năng, lợi thế, quy hoạch bài bản của Thủ Thiêm và định hướng phát triển trong tương lai.
Do đó, ông cho rằng điều đầu tiên là cần phải tạo ra một môi trường đầu tư, làm ăn kinh doanh thuận lợi, minh bạch, để thu hút các nhà đầu tư. Điều này cũng giúp các nhà đầu tư cảm thấy an tâm, gắn bó lâu dài với nơi đây.
“Có cơ chế tốt, cạnh tranh minh bạch sẽ là cách thu hút đầu tư tốt nhất”, ông nói.
Ông Châu cũng khuyến cáo nên đầu tư vào Thủ Thiêm một cách bài bản, thận trọng, đúng quy hoạch, không nên làm nhanh, phá vỡ quy hoạch, bởi khi đó sẽ không thể sửa được nữa.