Kênh Ba Bò (TP Thủ Đức) năm 2017. Ảnh: Minh Đức. |
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về triển khai kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm soát ô nhiễm kênh Ba Bò và tuyến kênh thoát nước lưu vực suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM được giao phối hợp với các đơn vị liên quan mời gọi đầu tư xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải nhằm thu gom và xử lý toàn bộ nước thải đô thị khu vực TP Thủ Đức như: Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày, trạm xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 2 công suất 130.000 m3/ngày, trạm xử lý nước thải rạch Suối Nhum công suất 65.000 m3/ngày.
Mặt khác, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM làm đầu mối phối hợp với Sở TNMT tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện, duy trì đường dây nóng và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo kế hoạch đề ra.
TP.HCM cũng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nguồn thải ra lưu vực kênh Ba Bò và tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, khu công nghiệp xả thải; lắp đặt quan trắc nước thải tự động, và truyền dữ liệu quan trắc liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường TP nhằm kiểm soát chất lượng nước thải.
Cơ quan chức năng và sở, ngành tiếp tục quan trắc, đánh giá chất lượng nước và các tuyến thoát nước vào kênh Ba Bò, chất lượng nước tuyến thoát nước suối Nhum - suối Xuân Trường - suối Cái; đồng thời cung cấp, chia sẻ thông tin, kết quả quan trắc môi trường lưu vực, kết quả quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý của Khu chế xuất Linh Trung 1, kết quả thanh kiểm tra và kế hoạch xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm về xả thải cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương định kỳ mỗi 6 tháng (hoặc đột xuất khi cần thiết).
Theo số liệu từ Phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), TP.HCM hiện có 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị gồm: Bình Hưng (công suất 141.000 m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000 m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000 m3/ngày). Ngoài ra, thành phố cũng còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư.
Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%. Trong khi đó, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP.HCM là khoảng 1,54 triệu m3/ngày.
Trong những năm gần đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng. Từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm ước tính tỷ lệ nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%.
Nếu 3 nhà máy, trạm xử lý nước thải trên được xây dựng, dự kiến có khoảng 80% tổng lượng nước thải của thành phố (gần 2,6 triệu m3/ngày) sẽ được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.
How to Avoid a Climate Disaster - Bill Gates. Tỷ phú công nghệ đưa ra góc nhìn của mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cả hướng đi rõ ràng, thiết thực để giải quyết chúng trong tương lai.