Nguy cơ Covid-19 lây nhiễm trở lại ở Việt Nam là điều mà nhiều chuyên gia cảnh báo khi người từ nước ngoài nhập cảnh. Vấn đề này cũng được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề cập tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố tối 24/4.
3 nguy cơ lây nhiễm
Theo ông Nhân, nguy cơ đầu tiên đến từ những người từng nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, có khả năng tái nhiễm trở lại. Bí thư TP.HCM dẫn chứng Hàn Quốc chữa khỏi gần 8.000 người thì có 200 người dương tính trở lại (tỷ lệ khoảng 2,3%). Nếu lấy tỷ lệ này áp dụng ở Việt Nam, giả sử chữa khỏi 268 người thì có khoảng 6-7 người tái nhiễm.
"Tỷ lệ tái nhiễm này không cao nhưng vẫn phải liên tục theo dõi những người đã khỏi bệnh, xuất viện. Trừ trường hợp người nước ngoài đã về nước, ngành y tế phải thường xuyên kiểm tra và xét nghiệm lại những người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Lây nhiễm từ nước ngoài là nguy cơ được Bí thư Thành ủy TP.HCM cảnh báo. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Nguy cơ thứ hai đến từ công dân Việt Nam ở nước ngoài chuẩn bị về nước. Dự kiến từ tuần sau, thành phố sẽ bắt đầu tiếp nhận khoảng 2.000 công dân Việt Nam từ nước ngoài về sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Nhân đề nghị thành phố lên kế hoạch chuẩn bị khoảng 4.000 giường để sẵn sàng cách ly.
Nguy cơ cuối cùng cũng mang yếu tố nước ngoài khi thành phố mở cửa cho các đối tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch. Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM dự báo sau này, quy mô mỗi ngày có thể vài nghìn người là chuyên gia, kỹ sư của doanh nghiệp nước ngoài sang làm ăn. Nếu có khách du lịch, số lượng này dự báo lên tới hàng triệu người. Vì thế, thành phố phải sớm lên kế hoạch giám sát các nhóm này.
"Hiện nay, mình như một cái chảo. Mình thấp và hầu như không có ca nhiễm tại chỗ, nhưng xung quanh là lòng chảo thì tỷ lệ nhiễm rất cao. Sau này mở ra phải có kiểm soát", ông Nhân nhấn mạnh và giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng của thành phố sớm lên kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát 3 nhóm nguy cơ trên.
Phân tích bài học và nguy cơ, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM quán triệt nhiều phương châm phòng, chống dịch cho thành phố. Trước hết là ngăn chặn, phát hiện kịp thời, triệt để nguồn lây từ nước ngoài. Tiếp đó, phát hiện cách ly kịp thời, triệt để nguồn lây nhiễm trong nước cũng như ở thành phố. Và đặc biệt, mỗi người dân phải tự phòng dịch cho mình, cho cơ quan tổ chức của mình và cho cộng đồng dân cư.
Không lơ là, chủ quan
Cũng tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dù thành phố chỉ còn điều trị 1 ca nhiễm nhưng nguy cơ từ nước ngoài vẫn rất lớn. "Thắng lợi thời gian vừa qua chỉ là bước đầu, cuộc chiến vẫn còn tiếp tục vì xung quanh, dịch ở các quốc gia khác vẫn đang phát triển rất mạnh", ông Phong lưu ý thành phố không được chủ quan, lơ là.
Chủ tịch TP.HCM cho biết dự kiến ngày 27/4, 300 du học sinh Mỹ sẽ bay về sân bay Tân Sơn Nhất. Toàn bộ nhóm du học sinh trên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra y tế và đưa thẳng về cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
"Chúng ta sẽ chuyển toàn bộ hành khách về nơi cách ly tập trung, không về nhà. Sở Ngoại vụ cần làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, thông báo tới từng hành khách để họ chuẩn bị sẵn tâm lý, thông tin tới người thân tại Việt Nam", ông Phong quán triệt.
Để chủ động trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất cách ly và xét nghiệm, lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế, Sở Ngoại vụ làm việc với Bộ Y tế, các cơ quan liên quan để cập nhật số lượng người Việt Nam tại nước ngoài sẽ về địa phương trong thời gian tới.
Dẫn chứng về 2 ca nhiễm Covid-19 mới nhất là du học sinh Nhật Bản về nước, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện giám sát chặt chẽ, quyết liệt trong bối cảnh tới đây, số lượng người Việt Nam về nước ngày một đông.