Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TP.HCM rút kinh nghiệm gì cho đợt tiêm thứ 5?

Bỏ qua giới hạn về thời gian, thay đổi nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và tập trung vào thông điệp "không so sánh vaccine" là những thay đổi trong chiến lược tiêm vaccine đợt 5.

Trong chiến dịch tiêm vaccine "lớn nhất lịch sử" hồi cuối tháng 6, TP.HCM đã đạt được mục tiêu về tốc độ khi gần 732.000 người được tiêm vaccine chỉ trong 6 ngày. Thế nhưng, để đạt được tiến độ này, TP.HCM phải trả cái giá khác.

Tập trung đông người tại các điểm tiêm vaccine, phân phối vaccine chậm, thiếu phương tiện vận chuyển, hệ thống dữ liệu quản lý người tiêm vaccine chậm cập nhật, chậm trả giấy chứng nhận tiêm vaccine... là những vấn đề mà TP.HCM không còn muốn lặp lại ở đợt tiêm chủng thứ 5.

Chiến dịch chính thức bắt đầu từ hôm nay, 22/7.

Từ kinh nghiệm của đợt 4, lãnh đạo TP.HCM nhiều lần nhắc lại thông điệp "không gây áp lực về tiến độ" trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch tiêm 930.000 liều vaccine đợt 5. Ngoài việc bỏ qua giới hạn về thời gian, TP.HCM cũng thay đổi trong nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và tập trung gửi thông điệp "không so sánh vaccine" đến người dân thành phố.

Không chạy theo tiến độ

Khác với sự chuẩn bị chỉ trong 2 ngày như ở đợt 4, TP.HCM lên kế hoạch kỹ càng hơn cho lần tiêm này.

Từ ngày 12/7, lãnh đạo Sở Y tế công bố với báo chí kế hoạch tổ chức điểm tiêm tại 312 phường, xã với chỉ tiêu tiêm chủng 120 người/điểm tiêm/ngày. Theo kế hoạch ban đầu, đợt tiêm chủng lần 5 dự kiến khởi động vào ngày 18/7.

Thế nhưng, tại cuộc họp riêng với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức hôm 17/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thẳng thắn nhìn nhận kế hoạch tiêm ngày 18/7 phải dời lại. Ông Đức dành 2 giờ lắng nghe các khúc mắc của 22 địa phương, tháo gỡ từng nút thắt còn tồn tại và hoàn thiện dự thảo kế hoạch tiêm chủng đợt 5.

Ngày 20/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để thảo luận riêng về vấn đề vaccine. Ngày 21/7, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong ký quyết định thành lập Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 của TP do Phó chủ tịch Dương Anh Đức làm trưởng trung tâm. Thành phố cũng dành thêm một ngày để thí điểm tiêm tại một số quận, huyện trước khi bước vào đợt tiêm đại trà chính thức vào 22/7.

chien dich tiem vaccine dot 5 TP.HCM anh 1

TP.HCM thí điểm tiêm vaccine tại một số điểm trong ngày 21/7. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, ông Đức nhấn mạnh với các địa phương rằng ngày bắt đầu chỉ có giá trị khởi động chung. Còn việc lựa chọn thời điểm, địa điểm hoàn toàn do địa phương toàn quyền quyết định dựa trên nguyên tắc "chưa sẵn sàng thì chưa triển khai".

"Chúng ta dự kiến lượt tiêm xấp xỉ giống đợt 4 nhưng thời gian kéo dài gấp 3 lần so với đợt trước và sẵn sàng kéo dài hơn nếu cần thiết", ông Đức quán triệt.

Không để áp lực tiến độ gây nguy hiểm cho sức khỏe và gây nguy cơ lây nhiễm cho người dân

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh nguyên tắc là đảm bảo nguồn lực, không để ảnh hưởng đến công tác chống dịch; không để áp lực tiến độ gây nguy hiểm cho sức khỏe và gây nguy cơ lây nhiễm cho người dân.

Theo kế hoạch cuối cùng, sẽ có 615/624 điểm tiêm được triển khai tại 312 phường, xã; 9 điểm tiêm còn lại do nằm trong khu vực đang phong tỏa nên thực hiện sau khi giải tỏa. Thời gian dự kiến trong khoảng 2-3 tuần nhưng có thể kéo dài. TP.HCM cũng tổ chức các đội cấp cứu với hơn 100 xe để đảm bảo xử lý sự cố xảy ra nếu có.

Để chuẩn bị cho đợt tiêm này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng tập đoàn Viettel để xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng trong tiêm vaccine. Phần mềm giúp thành phố dễ dàng chuyển danh sách đối tượng ưu tiên tiêm cho từng địa phương. Đồng thời, ngành y tế có thể quản lý các thông tin của người tiêm trên hệ thống này thay vì phải tiến hành nhập liệu thủ công như đợt tiêm vaccine thứ 4.

Ưu tiên nhóm nguy cơ cao

Tính đến ngày 20/7, TP.HCM ghi nhận 1,3 triệu người đăng ký trên hệ thống phần mềm tiêm chủng quốc gia. Sau cuộc thảo luận hôm 20/7, Bộ Y tế và TP.HCM thống nhất quan điểm tập trung tiêm vào đối tượng thay vì vùng tiêm chủng.

Phân tích kỹ hơn, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, lý giải sau 3 tuần tiêm vaccine, cơ thể mới sinh kháng thể và tác dụng bảo vệ chỉ được phát huy đầy đủ khi một người đã tiêm đủ 2 mũi, tức mất khoảng 3 tháng. Do vậy, việc tiêm vaccine không có tác dụng chống dịch ngay lập tức ở những vùng phong tỏa.

chien dich tiem vaccine dot 5 TP.HCM anh 2

Các điểm tiêm phải đảm bảo giãn cách, không để lây nhiễm chéo. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đối tượng ưu tiên tiêm lần này của TP.HCM cũng khác hẳn so với 4 đợt tiêm trước, cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của TP.HCM.

Phải quan tâm đến đời sống, tâm lý của nhân viên y tế. Thành phố cần bảo vệ cả người thân của họ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Ngoài nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Bộ Y tế, để bảo vệ nhóm yếu nhất, TP.HCM tập trung vào người già trên 65 tuổi và người có bệnh lý nền như phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì (với chỉ số BMI trên 30). Mục tiêu là hạn chế bệnh nhận nặng và đặc biệt là trường hợp nguy cơ tử vong cao.

Đáng chú ý, ở đợt tiêm này, thân nhân của người làm việc tại các cơ sở y tế được TP.HCM đưa vào danh sách ưu tiên tiêm chủng.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định phải quan tâm đến đời sống, tâm lý của nhân viên y tế. Ông kể lại chia sẻ của một bác sĩ, theo đó, cả nhà làm ngành y, tham gia chống dịch, chỉ còn mẹ già ở nhà. Các thành viên trong gia đình về nhà thì sợ lây cho mẹ nên mong muốn thành phố tiêm vaccine cho cả nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, ông dẫn chứng thêm nhiều trường hợp nhân viên y tế lây từ gia đình nên để bảo vệ lực lượng tuyến đầu, thành phố cần bảo vệ cả người thân của họ.

Ngoài ra, một nhóm khác được Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh cần đưa vào danh sách ưu tiên là người nghèo. Nhóm này thường ở trong các khu nhà trọ chen chúc, "bước ra khỏi nhà là gặp nhau" nên không thể giãn cách theo quy định.

Không phân biệt vaccine

Nếu các đợt tiêm chủng trước, TP.HCM chỉ có một loại vaccine là AstraZenenca thì đợt tiêm thứ 5 này, TP.HCM có 930.000 liều với 3 loại vaccine. Cụ thể là 235.000 liều Moderna, gần 55.000 liều Pfizer, còn lại là AstraZenenca; ngoài ra, có 19.000 liều Sinopharm.

Người dân không nên so sánh. Các loại vaccine đều được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá có hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Riêng vaccine Sinopharm, theo yêu cầu, nhà tài trợ phía Trung Quốc sẽ gửi cho TP.HCM danh sách công dân Trung Quốc và thành phố sẽ tổ chức tiêm. Sau khi hoàn thành với công dân Trung Quốc, thành phố mới sử dụng vaccine này tiêm cho các đối tượng khác.

Việc có nhiều loại vaccine khiến TP.HCM đứng trước 2 vấn đề: Tiêm trộn và tâm lý phân biệt vaccine.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng chiến dịch tiêm chủng đợt 5 có nhiều loại vaccine nên TP cần cân nhắc xem nên tiêm trộn hay thống nhất một loại vaccine cho một đối tượng.

Theo Thứ trưởng Sơn, người dân không nên so sánh. Các loại vaccine đều được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đánh giá có hiệu quả. Việc phân bổ loại gì cho đối tượng nào phải căn cứ theo khuyến cáo của vaccine đó. Có loại dùng cho người già, nhưng có loại dùng cho người trẻ…

chien dich tiem vaccine dot 5 TP.HCM anh 3

Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị người dân không so sánh, phân biệt vaccine. Ảnh: Duy Hiệu.

"Không phân biệt vaccine" cũng là thông điệp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Ông yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và không nặng nề việc được tiêm vaccine gì.

"Chính phủ đã cố gắng mua vaccine và ưu tiên hỗ trợ TPHCM, chúng ta không nên so sánh, lựa chọn. Trên tổng số lượng vaccine được phân bổ, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho từng đối tượng với loại vaccine phù hợp", ông nói.

Dù mới chỉ tiếp nhận 930.000 liều, TP.HCM đã sẵn sàng kế hoạch để tiêm chủng trên 2 triệu liệu vaccine và có thể duy trì việc tiêm chủng liên tục. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến từ nay đến tháng 9/2021, lượng vaccine phân bổ cho TP.HCM có thể đạt 5 triệu liều, khoảng 50% đối tượng tiêm vaccine.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng cho biết TP đang nỗ lực đàm phán mua 5 triệu liều vaccine Sinopharm và 5 triệu liều vaccine Moderna cho TP.HCM. Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ nguồn cung vaccine trên thế giới đang "rất khan hiếm" nên ngoài nguồn của Trung ương, thành phố tích cực tìm kiếm để có nhiều nhất, sớm nhất để tiêm cho người dân.

Thí điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5 ở TP.HCM Chiều 21/7, TP.HCM tiêm thí điểm khoảng 60 liều vaccine ngừa Covid-19 đợt 5. Chiến dịch tiêm chủng sẽ đồng loạt diễn ra vào ngày mai (22/7).

'Dứt khoát không để lây nhiễm nCoV ở điểm tiêm vaccine'

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đợt tiêm vaccine ngừa Covid-19 thứ 5 sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn, không để tái diễn tình trạng lây nhiễm như lần tiêm trước.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm