Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều 21/7, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết ở đợt tiêm chủng lần thứ 5 này, ngành y tế dự kiến triển khai trong 2-3 tuần nhưng có thể kéo dài thêm để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
TP.HCM đã rút kinh nghiệm sâu sắc sau đợt tiêm chủng thứ 4. Lãnh đạo Sở Y tế khẳng định lần tiêm chủng này phải phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu chưa an toàn, chưa chuẩn bị tốt thì chưa triển khai.
"Phải đảm bảo an toàn, giãn cách và chống sự lây nhiễm khi người tiêm chủng đến điểm tiêm. Dứt khoát không để xảy ra tình trạng như đợt 4", ông Hưng nhấn mạnh.
TP.HCM triển khai đợt tiêm chủng thứ 5 vào ngày 22/7. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về đối tượng ưu tiên lần này, ông Hưng cho biết vẫn áp dụng thực hiện theo Nghị quyết 21 nhưng đối tượng được bảo vệ và ưu tiên hàng đầu là người lớn tuổi trên 65 và mắc bệnh nền. Nhóm người này sẽ được tiêm trong bệnh viện.
Theo ông Hưng, lần tiêm này, thành phố tổ chức trên 22 quận, huyện. Thành phố cũng triển khai ít nhất 2 điểm tiêm. Quận, huyện có thể mở thêm điểm tiêm hoặc bàn tiêm chứ không khống chế cứng số đội tiêm và điểm tiêm. Điều kiện giãn cách sẽ được đảm bảo khi mỗi điểm tiêm tối đa là 120 người/ngày.
Qua 4 đợt trước đây, TP.HCM đã tiêm cho 991.322 người (943.215 người mũi một và 48.107 mũi hai). Trong đó, riêng đợt tiêm thứ 4, Chính phủ đã ưu tiên cho TP.HCM 836.000 liều sau khi dịch bùng phát mạnh trên địa bàn.
Vaccine tiêm trong đợt 5 có 3 loại là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Trong đó, vaccine AstraZeneca được tiêm mũi một cho đối tượng ưu tiên của đợt 5, tiêm mũi 2 cho những người hoàn tất mũi một trong 8-12 tuần.
Đến ngày 21/7, TP.HCM trải qua ngày thứ 13 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. HCDC nhận định đây là thời gian then chốt để thành phố triển khai các biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch bệnh. Mục tiêu là tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh vùng, chặn đứng chuỗi lây lan, giảm số ca mắc tiến tới kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại thành phố.