TP.HCM oi bức từ sáng sớm 27/3. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết áp cao cận nhiệt đới có trục qua Bắc Trung Bộ còn hoạt động mạnh. Do đó, thời tiết nắng nóng còn duy trì tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Hai ngày cuối tuần, trời ít mưa, nắng mạnh trên diện rộng tại Đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C. Riêng Biên Hòa (Đồng Nai), Tây Ninh, Đồng Phú (Bình Phước), mức nhiệt trên 37 độ C. Tại Tây Nam Bộ, nắng nóng xuất hiện cục bộ với nhiệt độ phổ biến 32-35 độ C.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 2 ngày tới (28-29/3), áp cao cận nhiệt đới có xu hướng suy yếu. Do đó, nắng nóng có thể giảm ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Nhiệt độ cao nhất ở các điểm nắng nóng dao động 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Thời gian nắng nóng trong ngày từ 11h đến 15h với nhiệt độ 35-37 độ C. Bên cạnh đó, độ ẩm cũng khá thấp, dao động 30-40%.
TP.HCM có thể giảm nhiệt vào ngày 28/3. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đáng lưu ý, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết chỉ số UV tại TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau, ở mức rất cao. Trong đó, TP.HCM có chỉ số UV cao nhất.
Cụ thể, từ 10h đến 13h hôm nay, chỉ số UV tại TP.HCM rải đều từ 8 đến 10,5 đơn vị, tia cực tím mạnh nhất lúc 12h.
Dự báo trong 3 ngày tiếp theo, chỉ số UV cực đại tiềm năng tại TP.HCM là 11 đơn vị, còn Cần Thơ và Cà Mau dao động 8-11 đơn vị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo khi chỉ số UV mức 8-10, nếu người dân ở ngoài nắng khoảng 25 phút thì có thể bị bỏng da. Khi chỉ số UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Cảnh báo về tác hại của UV với cơ thể, bác sĩ da liễu Vũ Thị Hương cho biết UV dù thấp hay cao cũng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da như gây sạm, đen, đặc biệt có thể gây ung thư da. Cường độ UV mạnh sẽ tác động nhanh hơn.
Với chỉ số UV như hôm nay và những ngày tới, chuyên gia khuyến cáo người dân cần thoa kem chống nắng SPF 30+, mặc áo dài tay, mang kính râm, đội mũ khi ra đường và không nên đứng dưới nắng quá lâu.