Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TP.HCM nên có sở công nghệ cao'

Phó chủ tịch UBND TP.HCM - ông Lê Mạnh Hà mong muốn thành phố có sở công nghệ cao được nâng cấp từ Ban quản lý khu công nghệ cao hiện nay.

'TP.HCM nên có sở công nghệ cao'

Phó chủ tịch UBND TP.HCM - ông Lê Mạnh Hà mong muốn thành phố có sở công nghệ cao được nâng cấp từ Ban quản lý khu công nghệ cao hiện nay.

- Nói đến khu công nghệ cao của thành phố là người ta nghĩ ngay đến Intel. Nhưng dường như Intel cũng không triển khai được dự án đúng như mong muốn của họ, và kỳ vọng của thành phố?

- Tôi không nghĩ như vậy. Họ đã xuất được sản phẩm thứ 100 triệu. Tốc độ xuất xưởng lớn nhất trong số tất cả các cơ sở sản xuất của họ. Đến nay Intel đã xuất khẩu 1,9 tỷ USD, riêng 8 tháng năm 2012 là 1,4 tỷ USD.

Vấn đề nằm ở chỗ phần làm tại Việt Nam của Intel giá trị gia tăng chưa cao. Nói một cách dễ hình dung là xuất khẩu 1,4  tỷ USD thì phần nhập vào đã đến 1,2 tỷ USD rồi. Đơn giản vì Intel Việt Nam chỉ thực hiện khâu cuối cùng là kiểm thử và đóng gói. Những khâu thiết kế, hoặc những khâu đòi hỏi hàm lượng chất xám cao hơn, thì chưa vào Việt Nam.

Tôi tin rằng, những công việc có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn sẽ tăng dần lên theo thời gian. Tất nhiên là phải với nỗ lực của cả hai bên.

- Một trong những vấn đề Intel kêu ca trước đây là họ chỉ tuyển được một phần rất nhỏ so với yêu cầu. Liệu thành phố có ý thức rõ điều này, và có biện pháp nào để cải thiện tình hình cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho họ?

- Họ nói đúng vì đây là ngành rất mới, Việt Nam đã làm bao giờ đâu mà có nhân lực phù hợp ngay với vị trí mà Intel cần. Ngành mới thì ai cũng sẽ gặp khó cả.  Nói vui chứ nếu doanh nghiệp chúng ta sang Mỹ tuyển nhân lực gói bánh chưng thì cũng gặp khó khăn tương tự, có khi còn khó hơn.

Nhưng Intel đã bước đầu giải quyết vấn đề này bằng cách tuyển những em có kiến thức nền tốt, sau đó cho sang Mỹ đào tạo thêm. Đã có hai khoá tốt nghiệp, mỗi khoá trên hai mươi em, với điểm trung bình cao nhất trường nơi họ học. Intel rất hãnh diện về điều này.

Nhưng họ còn tự hào hơn, khi một nhóm sinh viên Việt Nam đã tham dự giải Cornell và giành giải nhất, vượt qua cả các nhóm sinh viên Mỹ ở đại học MIT và Stanford - những nơi mạnh nhất Mỹ về đào tạo công nghệ thông tin.

Hiện giờ ngành này mới quá, nên tuyển rồi đào tạo thêm là tất yếu. Còn sau này, khi ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh, và ổn định, thì chắc chắn thị trường đào tạo của thành phố sẽ đáp ứng được yêu cầu.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TP TP.HCM

- Công viên phần mềm Quang Trung được đánh giá là thành công. Khu Công nghệ cao thì còn không ít khó khăn. Theo ông cái khác biệt lớn nhất giữa Công viên Phần mềm Quang trung và Khu Công nghệ cao là gì?

- Khu Công nghệ cao có diện tích lớn gấp hơn 20 lần Công viên phần mềm Quang Trung. Khái niệm về phần mềm là rất rõ, nhưng công nghệ thế nào là cao thì vẫn còn... cãi nhau. Hơn nữa, công nghệ biến đổi liên tục, hôm nay cao ngày mai đã là thấp. Đó là những điểm khác biệt lớn.

Nhưng khác biệt rõ nhất nằm ở mô hình quản lý. Khác với khu công viên phần mềm Quang Trung do một doanh nghiệp nhà nước đầu tư và quản lý, khu công nghệ cao được đầu tư và quản lý thông qua một ban quản lý.

Tôi vẫn chưa có đầy đủ cơ sở để đánh giá mô hình nào là phù hợp nhất. Tuy nhiên, ai cũng phải công nhận một thực tế là doanh nghiệp thì năng động hơn và phải dốc toàn lực ra phục vụ khách hàng. Bởi, nếu không làm như vậy thì doanh nghiệp sẽ lỗ, và thậm chí phá sản. Còn ban quản lý, dù có tràn đầy nhiệt huyết đến mấy thì cũng khó mà hiệu quả được, vì lương của họ chắc chắn không giảm đi đồng nào dù có mất khách hàng, thậm chí mất nhiều khách hàng.

Dù sao, thành phố cũng có quyền tự hào là Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có được kết quả tốt nhất trong tất cả các khu công nghệ cao trên toàn quốc.

- Nhân chuyện Khu Công viên Phần mềm Quang Trung và Khu Công nghệ cao TP.HCM, ông có liên tưởng gì đến Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị mới Thủ Thiêm?

- Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng do công ty liên doanh với nước ngoài đầu tư, mô hình công ty đầu tư và quản lý tương tự như Công viên phần mềm Quang Trung. Hiện nay, Phú Mỹ Hưng là một khu đô thị tương đối hoàn chỉnh, được đánh giá là kiểu mẫu và rất văn mình. Có lẽ, nhược điểm của Phú Mỹ Hưng là còn "thiếu" những bảng "khu phố văn hóa". (Cười)

- Thế còn Thủ Thiêm?

- Chúng tôi có Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đất thì giải tỏa cũng gần xong. Hạ tầng còn thiếu, và đang tích cực mời gọi đầu tư. Thủ Thiêm được đầu tư sau Phú Mỹ Hưng khoảng 10 năm.

- Công nghiệp - thương mại thì đã có Sở Công Thương nắm. Thế còn đối với công nghệ cao, dường như chỉ ở cấp ban quản lý?

- Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu giúp Ủy ban về công nghệ cao. Tuy nhiên, tôi mong muốn có hẳn sở công nghệ cao, nâng cấp từ Ban quản lý khu công nghệ cao hiện nay, để tham mưu giúp thành phố phát triển lĩnh vực này. Một thành phố như thành phố Hồ Chí Minh không thể không có công nghệ cao vào loại mạnh của khu vực.

Muốn như vậy thì phải tập trung đầu tư cho công nghệ cao, về nhân lực, tài lực, và đặc biệt phải có cơ quan tham mưu mạnh là sở công nghệ cao. Còn Công ty Phát triển Khu Công nghệ cao hiện nay sẽ trực tiếp đầu tư và quản lý khu công nghệ cao, tương tự như Công ty Phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung.

Làm như vậy, thành phố sẽ vừa có cơ quan tham mưu tốt, vừa có doanh nghiệp phục vụ hết mình cho các nhà đầu tư.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM

- Có nhận xét là Khu Công nghệ cao hiện nay vẫn giống như một khu công nghiệp về hình thức, và phần nào về nội dung. Tức là vẫn có những dự án nặng về thâm dụng lao động, chứ chưa hẳn có công nghệ cao. Ông có đồng ý không?

- Trong giai đoạn đầu, Khu Công nghệ cao buộc phải lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ chưa hẳn là cao và sử dụng nhiều lao động giản đơn để có được những cú hích đầu tiên. Giai đoạn sau này sẽ chọn lựa với yêu cầu cao hơn và tập trung cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đây chính là điểm khác biệt của khu công nghệ cao so với các khu công nghiệp khác.

Tôi thực sự muốn đổi tên khu này thành Công viên Công nghệ cao. Khi đã là công viên thì phải có nhiều cây xanh, có cảnh quan đẹp, không phải chỉ có nhà xưởng san sát như khu công nghiệp. Môi trường cho sáng tạo phải gần gũi với thiên nhiên, và thậm chí phải rất... nên thơ.

- Kỳ họp vừa rồi của Hội đồng nhân dân thành phố, ông bị chất vấn về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Báo chí cũng có đưa tin, nhưng tôi muốn ông khẳng định lại quan điểm của mình.

- Đúng. Và những điều tôi đã trả lời là quan điểm của tôi, xin phép được nhắc lại.

Về công nghiệp hỗ trợ, cả nước lúng túng, và thành phố Hồ Chí Minh cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng, theo tôi, không nên quá tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Công nghiệp hỗ trợ chỉ để phục vụ người khác mà thôi, khó có thể phát triển mạnh được. Hơn nữa, sản xuất một loại phụ tùng rồi không biết bán cho ai thì chỉ có phá sản mà thôi.

Cốt yếu là phải sản xuất sản phẩm cuối cùng trên đất Việt Nam. Ví dụ, như ngành ô tô, nếu sản xuất cái gạt nước rồi không biết bán cho ai thì sẽ thất bại. Nhưng nếu xuất xưởng một chiếc ô tô hoàn chỉnh ngay trên đất Việt Nam thì lại khác. Tất nhiên phải là sản xuất xe để xuất khẩu, không chỉ lắp ráp cho thị trường trong nước như lâu nay.

Nếu như số lượng lớn xe được sản xuất trong nước là đủ lớn, sẽ có những nhà cung cấp phụ tùng ở ngay Việt Nam. Lúc đầu, có thể chỉ một số phụ tùng sản xuất được trong nước, nhưng dần dần số mặt hàng sẽ tăng lên, vì làm tại chỗ sẽ rẻ hơn do giảm chi phí vận chuyển, không có thuế nhập khẩu...

Tôi đoán chắc nếu Toyota xuất từ Việt Nam 1 triệu xe/năm đi châu Á thì chắc chắn công nghiệp hỗ trợ sẽ phát triển. Còn chỉ phục vụ cho mấy ngàn xe/năm như bây giờ, không ai dại gì sản xuất phụ tùng với số lượng ít ỏi cho anh cả.

Như vậy, thay vì phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho không-ai-cả, hãy thu hút những tập đoàn hàng đầu sản xuất sản phẩm cuối cùng tại Việt Nam.

Theo Vietnamnet

Theo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm