Cùng với nắng nóng, tia UV tại TP.HCM cũng ở mức cực đại 9-10. Ảnh: Duy Anh. |
Ngày 23/3, Nam Bộ tiếp tục bước vào đợt nắng nóng diện rộng. Hôm qua (22/3), Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ghi nhận mức nhiệt phổ biến 35-36 độ C, độ ẩm thấp nhất dao động 40-55%.
Trạm Đồng Phú (Bình Phước) ghi nhận mức nhiệt cao nhất miền Nam, nhiệt độ lều khí tượng đo được 37,2 độ C.
Hôm nay và ngày mai, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở khu vực các tỉnh miền Đông và TP.HCM. Mức nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm thấp nhất 40-55%. Thời gian nắng nóng cao nhất trong ngày từ 12h đến 16h.
Cơ quan khí tượng dự báo ngày 26-27/3, nắng nóng có xu hướng mở rộng, tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Đông, một số địa phương ở miền Tây với nhiệt độ tăng nhẹ.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhìn nhận mùa nắng ở Nam Bộ đến sớm hơn mọi năm và có thể kéo dài đến hết tháng 4. Nhiệt độ những ngày tới có thể lên đến 38 độ C. Đó là nhiệt độ đo trong lều khí tượng, còn nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn 1-2 độ C.
Chuyên gia khí tượng dự báo tuần cuối tháng 3, thời tiết khu vực có mây thay đổi, ngày nắng và ít mưa. Sang đầu tháng 4, nắng gắt kết hợp ẩm sẽ tạo cảm giác oi nóng, khó chịu. Trời bắt đầu có mưa chuyển mùa từ giữa tháng 4, với tần suất 5-7 ngày sẽ có một đợt mưa.
Tia cực tím tại TP.HCM đang ở mức cao, số giờ nóng kéo dài dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Nắng nóng còn có thể gây mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư có nguy cơ xảy ra.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.