Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030". Mục tiêu chương tình hướng đến là TP.HCM trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu, triển khai, chuyển giao trí tuệ nhân tạo, có trình độ phát triển trí tuệ nhân tạo trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN.
Với tầm nhìn 10 năm, TP.HCM kỳ vọng trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. 9 đề án, dự án, hạng mục sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2030 với những mốc thời gian cụ thể.
Trong giai đoạn 2021-2022, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành Dự án "Xây dựng Cổng thông tin giải pháp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo" và hạng mục khảo sát nhu cầu ứng dụng, phát triển trí tuệ nhân tạo.
TP.HCM đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc điều tiết giao thông, cứu hộ cứu nạn. Ảnh: Quang Huy. |
Trong thời gian 2021-2025, dự kiến, TP.HCM hoàn thành 5 đề án xây dựng hạ tầng số; xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo TP.HCM; xây dựng mạng lưới điện các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tạo các cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn này, TP.HCM cũng hoàn thiện hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, ngày hội doanh nghiệp CNTT và trí tuệ nhân tạo TP.HCM sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm.
Theo quyết định đã phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM là đơn vị thường trực, phối hợp các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030".
Kinh phí thực hiện chương trình được bố trí từ ngân sách thành phố, ngân sách từ các bộ, ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ cùng nguồn xã hội hóa. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM được ủy quyền quyết định phân khai chi tiết nguồn kinh phí được giao.