Tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin về dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra chiều 19/7, Zing đặt câu hỏi cho Sở Y tế TP.HCM về tình trạng trang thiết bị y tế như máy thở, máy ECMO... tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện nay ra sao.
Chuẩn bị kịch bản 60.000 giường
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP đang triển khai các khu để tiếp nhận điều trị F0. Số F0 hiện điều trị khoảng 30.000. Tuy nhiên, ngành y tế dự trù cho kịch bản 60.000 bệnh nhân.
Thành phố đang xây dựng bệnh viện dã chiến mới tại huyện Bình Chánh và đang từng bước hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Chí Hùng. |
"Tuy nhiên, hiện khu điều trị F0 tại khu tái định cư vẫn còn rộng. Do đó, năng lực tiếp nhận F0 vẫn dư khả năng của thành phố", ông Nam cho biết và nói thêm do không lường được diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên ngành y tế vẫn đang tiếp tục lên các kịch bản cao hơn.
Về số lượng máy thở và ECMO, ông Nam khẳng định cơ bản đủ cho công tác điều trị. Hiện, các bệnh viện như Nhi đồng TP, Ung bướu cơ sở 2 đều được đầu tư thêm trang thiết bị. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tài trợ cho công tác điều trị số lượng lớn máy thở.
Chưa đồng bộ
Trước câu hỏi của Zing về việc tại sao cơ sở điều trị Covid-19 không thiếu giường nhưng có tình trạng F0 chờ lâu trong cộng đồng để nhập viện, ông Nam cho biết tình trạng F0 chờ nhập viện do trong giai đoạn đầu, ngành y tế chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa bệnh nhân F0 vào khu cách ly điều trị.
"Giai đoạn đầu, chúng tôi xác nhận chưa có đồng bộ. Sở Y tế đã nhận thấy và họp với Trung tâm cấp cứu 115. Tất cả vấn đề chuyển F0 được giao hoàn toàn cho Trung tâm cấp cứu 115 để điều phối xe. Ví dụ, ngay 2h hôm qua có ca, chúng tôi cũng liên hệ và chuyển ngay", ông Nam nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh bất kể tình huống nào, Sở Y tế cũng có sự chuẩn bị, không chờ tới khi thiếu máy thở.
TP.HCM liên tục nhận được hỗ trợ về thiết bị y tế của Bộ Y tế và các tỉnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ông khẳng định ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản và mở rộng nhiều cơ sở để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ví dụ, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị có chuyên ngành rất sâu nhưng vẫn thực hiện bệnh viện chia đôi - một nửa để chăm sóc sản phụ khoa, một nửa điều trị bệnh nhân Covid-19.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết thêm bệnh viện dã chiến là nơi điều trị F0 không có triệu chứng và sẽ được trang bị bình oxy, tuy nhiên, đây không phải nơi cần trang bị máy thở. Ngành y tế đang lắp đặt hệ thống oxy cao áp để đảm bảo cho các khu bệnh viện dã chiến này.
Ông dẫn chứng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay Bệnh viện đa khoa Thủ Đức đều đã chia ra để tiếp nhận bệnh nhân F0 có triệu chứng. Máy thở được tập trung ở các bệnh viện gần như tuyến cuối để điều trị bệnh nhân cần thở máy
Ông cho biết mỗi bệnh viện dã chiến được chuẩn bị 4 bình oxy cao áp, mỗi bình 2 tấn và tiếp tục bổ sung. Bên cạnh đó, ngành y tế chuẩn bị 180 bình oxy để phân bổ về quận, huyện, TP để đáp ứng ngay nhu cầu oxy của người bệnh.
Chỉ thị 16 được áp dụng toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 10 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Ngày 18/7, TP.HCM ghi nhận kỷ mục mới với 4.692 ca nhiễm trong ngày. Từ 27/4 đến trưa 19/7, TP.HCM ghi nhận 32.926 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.