Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM lên kế hoạch nâng cấp nhà máy điện Hiệp Phước

Sau gần 10 năm ngừng hoạt động thương mại, TP.HCM đang lên kế hoạch nâng cấp nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước thành nhà máy điện dùng tua bin khí hiện đại.

UBND TP.HCM vừa ra kết luận ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Hiệp Phước. Chủ trương trên được Sở Công Thương TP.HCM đề xuất vào hồi đầu tháng 7.

Theo dự án mà Công ty Điện lực Hiệp Phước đề nghị, nhà máy nhiệt điện Hiệp Phước có công suất 375 MW hiện tại sẽ được nâng cấp lên thành Nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Hiệp Phước với công suất tổng lên tới 2.700 MW.  

nha may dien Hiep Phuoc anh 1
Công nghệ tua bin khí hỗn hợp giúp nhà máy đạt năng suất cao và thân thiện môi trường. Ảnh: Công ty Điện lực Việt Nam.

Nhà máy sau khi nâng cấp sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu khí hóa lỏng thân thiện với môi trường và dùng công nghệ tua bin phát điện hiệu suất cao (đạt khoảng 58-60%). 

Theo phương án dự kiến, trong giai đoạn 1, nhà máy đạt công suất 1.200 MW và được đấu nối vào lưới điện cấp điện áp 110 kV và 220 kV. Giai đoạn 2, nhà máy sẽ đạt công suất 2.700 kV và hòa lưới điện áp 550 kV. Các trạm biến áp 220kV và 550 kV cùng đường dây đấu nối đồng bộ sẽ được chủ đầu tư xây bên trong khuôn viên nhà máy.

Công ty Điện lực Hiệp Phước cho biết do toàn bộ nhà máy mới được xây trên diện tích trước đó của nhà máy nhiệt điện cũ nên có thể tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có. Ngoài ra, nhà máy điện tua bin khí nằm sát sông Soài Rạp nên tận dụng được cảng hiện hữu cho việc tiếp nhận nhiên liệu và vật tư.

Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Công ty Điện lực Hiệp Phước thực hiện đầy đủ các thủ tục, bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Nhà máy điện Hiệp Phước hiện hữu có công suất 375 MW, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 1993.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 280 triệu USD và sử dụng nhiên liệu dầu FO. 

Nhà máy vận hành đến tháng 8/2011 thì ngừng hoạt động thương mại và không phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia. Hiện, nơi này chỉ làm nhiệm vụ vận hành, bảo dưỡng và làm nguồn điện dự phòng trong trường hợp cần huy động nguồn điện khẩn cấp.

EVN khuyến cáo người dân cảnh giác trước hành vi trộm thiết bị điện

Công an thị xã Sơn Tây cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ đối tượng giả nhân viên điện lực gây ra 11 vụ trộm cắp dây cáp điện trên địa bàn.

Quang Huy

Bạn có thể quan tâm