Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết tổ kiểm tra Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau sẽ họp vào chiều 20/8, để thống nhất các quan điểm, số liệu trước khi kết luận, báo cáo UBND tỉnh Cà Mau.
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp chiều nay là xác định tỷ lệ rác chôn lấp của nhà máy xem có đảm bảo quy trình đã được phê duyệt hay không.
Rác "chạy" vào kho
Tổ kiểm tra Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau do Giám đốc Sở Xây dựng làm Tổ trưởng, được UBND tỉnh Cà Mau thành lập nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại nhà máy này. UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) cung cấp cho tổ kiểm tra những hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng, khoa học - công nghệ, đầu tư và tài nguyên - môi trường.
Tô Công Lý. Ảnh: N.T. |
Về tài chính, Công ty Công Lý phải cung cấp giấy tờ, dữ liệu liên quan đến mua sắm, thanh quyết toán kinh phí chi hỗ trợ xử lý rác thải. Lĩnh vực quy hoạch - xây dựng cung cấp hồ sơ dự án (phê duyệt lần đầu và điều chỉnh) cùng những văn bản pháp lý liên quan kèm theo trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Đặc biệt là tình hình vận hành dự án từ tháng 5/2012 đến nay, gồm quá trình kiểm soát rác thải đầu vào, đầu ra; rác chôn lấp theo quy hoạch tổng mặt bằng và thực tế rác chôn lấp.
Để có cơ sở quyết toán kinh phí vận chuyển, tiếp nhận và xử lý rác, UBND TP Cà Mau đề nghị Sở Xây dựng và Sở Khoa học - Công nghệ Cà Mau phối hợp cùng Công ty Công Lý kiểm tra, xác nhận tỷ lệ chôn lấp rác thải dưới 10% như đã phê duyệt.
Việc truy xuất dữ liệu rác đầu vào tại nhà máy đã được hệ thống kiểm soát rác tự động theo dõi, ghi nhận số liệu trên các thiết bị; tuy nhiên, số liệu rác đầu ra (chôn lấp dưới 10%) rất khó truy xuất vì Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau không vận hành theo quy trình xử lý rác đã được phê duyệt.
Quy trình đúng là rác thải qua máy xé, đưa lên băng tải chọn lọc phế liệu (mang đi tái chế). Tiếp theo, rác qua sàng lọc để phân loại rồi chuyển ra 3 loại là rác đem đốt, chôn lấp và phần còn lại là vào ống sinh hóa, ủ vi sinh để sản xuất phân compost.
Một góc Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. Ảnh: Việt Tường. |
Thực tế cho thấy rác sau khi qua sàng lọc để phân loại đã không chuyển đi 3 hướng theo quy định mà chỉ chạy qua ống sinh hóa, tách lọc rồi dùng xe chuyển vào nhà kho. Điều này được Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau Dư Minh Hùng xác nhận với Zing.vn vào sáng 20/8.
Được hưởng nhiều ưu đãi
Ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, cho biết Công ty Công Lý xây nhà máy xử lý rác có tỷ lệ chôn lấp dưới 10%. Vì vậy, dự án thuộc diện ưu đãi theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
Điều 12 Nghị định 04/2009 quy định cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung có tỷ lệ chất thải phải chôn lấp sau xử lý dưới 10% được Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây dựng. Trong đó, 40% từ ngân sách Trung ương, 10% ngân sách địa phương; 50% còn lại được vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Việc ưu đãi vốn được thực hiện khi nhà đầu tư làm xong dự án và quyết toán. Căn cứ vào tổng quyết toán được cơ quan chức năng phê duyệt tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là 329 tỷ đồng, doanh nghiệp được nhận lại 50% vốn ưu đãi tương đương 164,5 tỷ đồng.
Công nhân phân loại rác trong nhà máy. Ảnh: Việt Tường. |
Phóng viên Zing.vn đặt vấn đề căn cứ nào để xác định nhà máy chôn lấp rác dưới 10%, người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau cho biết trước khi trình Trung ương để xin ưu đãi vốn, nhà máy xử lý rác phải xác định tỷ lệ chôn lấp và đây là điều kiện bắt buộc. Từ đó, Sở Xây dựng Cà Mau (trước đây) thành lập hội đồng để xác định tỷ lệ chôn lấp rác và kết luận Công ty Công Lý đủ điều kiện nhận ưu đãi 50% vốn đầu tư.
"Gần đây tôi mới biết Bộ Công an làm vụ này, khi thấy cơ quan điều tra đề nghị sở, ngành có liên quan cung cấp hồ sơ. Sở Tài chính cung cấp hồ sơ quyết toán, Sở Xây dựng làm việc xung quanh vấn đề thiết kế, cơ sở vật chất, cấp giấy phép xây dựng và tỷ lệ chôn lấp rác...", ông Nguyễn Đức Thánh chia sẻ.
Ngoài ưu đãi hỗ trợ 50% vốn đầu tư, nhà máy xử lý rác thải của Công ty Công Lý còn được ưu đãi vay vốn ngân hàng và những khoản ưu đãi khác liên quan đến thuế, đất đai.
Ngày 19/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thông báo đến chính quyền ở Cà Mau về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam Tô Công Lý về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thiếu gia này bị cho là lợi dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 04/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường để lập hồ sơ thanh toán, chiếm đoạt tiền Nhà nước tại một số hạng mục xây dựng.
Tô Công Lý là con trai duy nhất của đại gia điện gió Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý. Vốn điều lệ của công ty là 1.450 tỷ đồng, ông Lý chiếm 29,88% (433,3 tỷ đồng), còn lại trên 1.016 tỷ đồng thuộc về người cha.
Công ty Công Lý là chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Bạc Liêu, Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau và Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. Doanh nghiệp này còn tham gia dự án Nhà máy điện gió Công Lý Sóc Trăng giai đoạn 1 (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Sóc Trăng) và giai đoạn 3 Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý Bạc Liêu làm chủ đầu tư). Tổng vốn đầu tư các dự án điện gió lên trên 24.700 tỷ đồng.