Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

TP.HCM lắp camera, quấy rối trên xe buýt vẫn có thể diễn ra

Chuyên gia nhấn mạnh việc cần có biện pháp mang tính kịp thời để ngăn chặn hành vi quấy rối trước khi “việc đã rồi” và không thể làm gì khác để thay đổi.

Sở Giao thông - Vận tải gần đây khuyến cáo người dân có thể liên hệ Tổng đài 1022 (nhánh số 9) hoặc số điện thoại 0981.960.202 để trình báo khi gặp vấn đề về an ninh như bị quấy rối, móc túi trên xe buýt.

Tuy nhiên, khi có người phản ánh, trung tâm điều hành chỉ có thể theo dõi qua camera và trình báo cho công an. Lực lượng chức năng sẽ không thể ngay lập tức có mặt tại hiện trường.

Bà Nguyễn Phạm Lam Phương, thạc sĩ châu Á học, nhà hoạt động vì bình đẳng giới, cho rằng "các thiết bị hầu như chỉ có ích cho việc tạo chứng cứ, kiểm soát hành vi... chứ không thể giải quyết vấn đề ngay tại chỗ”.

Cần biện pháp kịp thời hơn

Theo chuyên gia Lam Phương, camera sẽ có ích trong việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục vì phần nào tạo không gian an toàn hơn. Trang bị thêm thiết bị cảnh báo như nút bấm tạo âm thanh báo động cũng là một cách hay.

Người đang có ý định quấy rối khi nhìn thấy có thiết bị theo dõi và báo động có thể sẽ làm nhụt ý định. Hình ảnh ghi lại sẽ thuận tiện cho việc lưu bằng chứng, tạo điều kiện cho việc điều tra.

Tuy nhiên, quấy rối tình dục là hành vi không chỉ tác động trực tiếp đến thể chất như sờ mó và mò mẫm, mà còn dạng quấy rối gián tiếp bằng lời nói bao gồm cả huýt sáo, hay nhìn chằm chằm vào nạn nhân. Camera có thể không hiệu quả trước những hành động này.

camera tren xe buyt anh 1

Kẻ quấy rối vẫn có thể thực hiện hành vi ở những vị trí khuất camera. Ảnh minh họa: Theung Wela Pheuk.

Người bị quấy rối vẫn phải trải qua nỗi sợ hãi ngay lúc đó. Còn đối tượng thực hiện hành vi quấy rối vẫn ngang nhiên ngồi trên xe và có thể chuyển từ nạn nhân này sang nạn nhân khác. Hơn nữa, nếu kẻ xấu đeo khẩu trang, trùm nón kín thì camera khó phát huy công dụng.

“Do đó, tôi muốn nhấn mạnh tính kịp thời, ngăn chặn hành vi trước khi ‘việc đã rồi’ và không thể làm gì khác để thay đổi”, bà Phương nói thêm.

Theo chuyên gia, nạn nhân của quấy rối tình dục không phải ai cũng có mong muốn công khai chuyện của mình để theo đuổi pháp lý, mà chỉ muốn hành vi đó dừng lại ngay lập tức và không lặp lại trong tương lai.


Nâng cao tính pháp lý và nhận thức xã hội

Chuyên gia Lam Phương cho biết để xử lý tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt và trong không gian công cộng nói chung, cần có những biện pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về biện pháp ngắn hạn, bà Phương cho rằng các cơ quan chức năng có thể đưa ra quy định và chế tài cụ thể để xử lý người vi phạm trong phạm vi mà cơ quan đó quản lý.

Tài xế, tiếp viên cũng được tập huấn nghiệp vụ xử lý và hỗ trợ nạn nhân trong trường hợp có hành khách phản ánh.

Hiện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã xây dựng quy chế phối hợp với công an để xử lý vấn đề mất an ninh trên xe buýt. Hành khách cũng cần được nắm thông tin những sự hỗ trợ mà cơ quan đang có.

Mặt khác, nhiều người còn ngại ngùng về các vấn đề giới tính và tình dục. Các nạn nhân có xu hướng xấu hổ, giấu kín chuyện bị quấy rối, nhất là nữ giới. Cũng có trường hợp nam thanh niên bị sàm sỡ đã không dám lên tiếng vì sĩ diện, sợ mọi người chê là “phái mạnh mà không tự xử lý được”.

Do đó, chuyên gia nhấn mạnh thêm biện pháp nâng cao nhận thức xã hội dài hạn và trên diện rộng bằng cách giáo dục giới tính, tình dục toàn diện từ học đường.

Bên cạnh đó, những định nghĩa và quy trình xử lý quấy rối tình dục cần được thể hiện rõ ràng hơn ở mức độ chính sách, luật pháp địa phương, quốc gia.

camera tren xe buyt anh 2

Tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt và phương tiện công cộng cũng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Trong ảnh, người dân ở thành phố Bangalore (Ấn Độ) đã giơ bảng biểu tình lên án và cảnh báo tình trạng này. Ảnh: Manjunath Kiran.


Tham khảo các biện pháp từ nước ngoài

Gần 2/3 phụ nữ Ấn Độ bị quấy rối và tấn công tình dục trên phương tiện giao thông công cộng là con số không gây ngạc nhiên ở nước này.

Tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ Jagori khảo sát có tới 51,4% phụ nữ bị quấy rối khi sử dụng và chờ đợi phương tiện giao thông công cộng, 49% nam giới báo cáo rằng họ đã chứng kiến ​​phụ nữ bị quấy rối.

Tình trạng này cũng được báo cáo nhiều ở Anh, Nhật Bản, Hong Kong, Nepal, Mexico…

Thomson Reuters Foundation đã thực hiện khảo sát toàn cầu thăm dò ý kiến của hơn 1.000 phụ nữ.

“An toàn là mối quan tâm hàng đầu của 52% phụ nữ ở 5 thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng cao trên thế giới, gồm London, New York, Cairo, Mexico City và Tokyo”, cuộc khảo sát tổng kết.

Phụ nữ ở Tokyo cảm thấy tự tin nhất về sự an toàn của họ, đồng thời ủng hộ việc tạo các toa xe cho riêng từng giới. Phụ nữ ở London tin tưởng những hành khách khác sẽ đến giúp đỡ họ nếu họ bị quấy rối, bạo hành.

Các khu vực của Norfolk (Anh) được xác định là điểm nóng về lạm dụng và quấy rối. Chính phủ và địa phương đã đầu tư mở rộng hệ thống camera an ninh, cải thiện hệ thống chiếu sáng đường phố, đồng thời hợp tác với trường đại học để phát triển các kỹ năng của sinh viên trong việc biết cách nhận ra và phản ứng với những hành vi quấy rối.

Nhà điều hành giao thông công cộng ở London (Transport for London) cung cấp cổng thông tin cho phép người dùng gửi các ý tưởng và giải pháp công nghệ sáng tạo để xây dựng các biện pháp an toàn cho phái nữ.

Ủy ban Hành động Metropolitan Toronto về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (METRAC) của Canada cho vận hành hiệu quả các khu vực chờ phương tiện giao thông được chỉ định cho phụ nữ, nhà chờ xe đủ ánh sáng, các chương trình phòng ngừa hành hung…

Ở Ấn Độ, tàu điện ngầm, xe buýt và toa tàu dành riêng cho phụ nữ đã được đưa vào sử dụng. Taxi chỉ dành cho phụ nữ cũng đã tham gia vào thị trường.

camera tren xe buyt anh 3

Xe buýt đông người chen chúc là một yếu tố dễ tạo điều kiện cho kẻ quấy rối. Ảnh: Sun Shiqi/VCG.

Võ sư Trần Trung Sơn (nguyên huấn luyện viên trưởng tuyển Muay Quốc gia Việt Nam) chia sẻ một số cách để tránh “yêu râu xanh” khi đi xe buýt.

Còn khi xe buýt đã kín chỗ ngồi, đông người, ông Sơn khuyên hành khách nên chọn chỗ đứng có thể quan sát được xung quanh. Khi đối tượng có hành vi sàm sỡ thì phải báo ngay cho nhân viên xe buýt để được hỗ trợ hoặc ghi lại hình ảnh để tố giác tội phạm.

Mặt khác, để ngăn chặn hành vi quấy rối kịp thời nên tận dụng mối tương trợ trên xe buýt từ những hành khách cùng xe, nhất là những người có võ thuật. Mỗi người có thể tự trang bị một số đòn tự vệ ngắn và nhờ thêm người can thiệp.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

'Tôi bị quấy rối khi đi xe buýt ở TP.HCM'

“Trước đây tôi tưởng chỉ có nữ giới bị, cho đến ngày tôi gặp phải”, anh N.P. (23 tuổi) là nạn nhân từng bị quấy rối trên xe buýt kể lại.

Saigon Expresso: Có nạn quấy rối tình dục trên xe buýt

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã gửi dữ liệu hình ảnh camera cho công an để điều tra nạn quấy rối tình dục trên xe buýt.

Ý Linh - Ngọc An

Bạn có thể quan tâm