Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

TP.HCM làm gì để cải thiện nhà vệ sinh công cộng?

TP.HCM có khoảng 10 triệu dân nhưng chỉ có hơn 250 nhà vệ sinh công cộng. Chuyên gia đề xuất thành phố cân nhắc quản lý và xây dựng nhà vệ sinh theo hướng xã hội hóa.

nha ve sinh TP.HCM anh 1

"Tôi được chỉ dẫn đi thêm 1 km mới đến nhà vệ sinh trong công viên. Bảo vệ nơi đây không giao tiếp bằng tiếng Anh nên rất khó chỉ đường", chị Sohee (du khách Hàn Quốc) thở dài khi nhớ lại trải nghiệm tìm nhà vệ sinh công cộng trong lần tham quan phố Bùi Viện (quận 1).

Mặc dù là địa điểm du lịch nổi tiếng trong trung tâm TP.HCM, tuy nhiên nếu muốn tìm nhà vệ sinh công cộng ở phố Bùi Viện, người dân phải đi gần một km đến chợ Thái Bình hoặc công viên 23/9.

Không chỉ Sohee, nhiều khách du lịch khi đến TP.HCM cũng chịu chung cảnh chật vật tìm nhà vệ sinh công cộng ở các địa điểm nổi tiếng như công viên bến Bạch Đằng, nhà thờ Đức Bà... Một số người đành chịu cảnh "nhịn" hoặc buộc phải vào các cửa hàng dịch vụ lân cận.

Bất cập

Đầu tháng 2, theo bảng xếp hạng của QS Supplies, báo Nikkei Asia đánh giá chất lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM xếp hạng 67/69 thành phố du lịch trên thế giới.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trên địa bàn có khoảng 255 nhà vệ sinh. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở quận 5 (38 nhà vệ sinh), ít nhất ở quận Phú Nhuận và huyện Cần Giờ (2 nhà vệ sinh). Trung tâm thành phố là quận 1 và quận 3 chỉ có khoảng 10-18 nhà vệ sinh. Tại một số nơi, nhà vệ sinh công cộng có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường.

Trao đổi với Zing, ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, cho biết không quá bất ngờ với kết quả này. Theo ông Hiệp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM bị đánh giá thấp.

TP.HCM đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nhà vệ sinh công cộng.

Ông Lê Văn Hiệp

"Xưa nay nhà vệ sinh thường chỉ được coi là công trình phụ, không mấy quan trọng. Hiện tại, TP.HCM đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng nhà vệ sinh công cộng", ông Hiệp nói.

Ông Hiệp lấy dẫn chứng về một số bất cập trong việc quy hoạch và xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Khi khảo sát, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam phát hiện nhiều nhà vệ sinh đặt sâu trong công viên, khiến người dân phải mất công gửi xe, vượt qua barie chắn cổng. Việc xây nhà vệ sinh sâu bên trong cũng khiến cho địa điểm này nhanh xuống cấp, gây bất tiện cho việc quản lý, dẫn đến dễ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội.

Thậm chí, một số nhà vệ sinh công cộng nhưng lại mở cửa "theo giờ hành chính", chỉ mở trong 8 giờ rồi đóng, ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân.

nha ve sinh TP.HCM anh 2

Nhiều nhà vệ sinh ở TP.HCM xuống cấp, nước thải bị rò rỉ ra ngoài. Ảnh: Chí Hùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội, cũng chung nỗi ám ảnh với việc nhà vệ sinh bốc mùi, xuống cấp ở TP.HCM.

"Nhà vệ sinh là công trình rất dễ xuống cấp nếu không được bảo trì và sửa chữa thường xuyên. Tuy nhiên, ở một số nơi trong thành phố, nhà vệ sinh xây xong nhưng không có người quản lý, sử dụng được 1-2 ngày là dơ bẩn. Khách du lịch chỉ cần một lần thấy cảnh này là không dám quay lại", ông Phương cho biết.

Để doanh nghiệp góp vốn

Thời gian qua, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã có nhiều buổi làm việc với UBND TP.HCM, chính quyền TP Thủ Đức và các quận, huyện, cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường với hi vọng sớm giải quyết được câu chuyện bất cập nhà vệ sinh công cộng.

Theo ông Lê Văn Hiệp, TP.HCM nên tiến hành xây dựng thêm nhà vệ sinh ở những vị trí chiến lược, thuận lợi cho người dân sử dụng. Ví dụ như dọc bên ngoài công viên, trong các tuyến phố khai thác du lịch, cứ cách 300-500 m nên đặt một nhà vệ sinh công cộng.

TP.HCM nên cân nhắc quản lý và xây dựng nhà vệ sinh theo hướng xã hội hóa. Chính quyền cũng cần tạo điều kiện giữ vị trí đó bền vững trong nhiều năm.

Ông Lê Văn Hiệp

Về chất lượng, nhà vệ sinh cần được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế như có các tính năng diệt khuẩn, diệt virus, có tích hợp công nghệ thông minh... Đặc biệt, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam đã nghiên cứu, đưa ra mô hình nhà vệ sinh thông minh với hệ thống quản trị AI, cảm biến tự động... Nếu gặp sự cố, hệ thống sẽ thông báo về máy chủ, giúp hỗ trợ nhanh trong việc dọn dẹp và quản lý.

Bên cạnh đó, nên cân nhắc quản lý và xây dựng nhà vệ sinh theo hướng xã hội hóa. Doanh nghiệp có thể cùng góp vốn để tạo nên nhà vệ sinh xanh - sạch - đẹp theo tiêu chuẩn.

"Doanh nghiệp góp vốn, xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp, đủ tiêu chuẩn quốc tế. Song, chính quyền cần tạo điều kiện giữ vị trí đó bền vững trong nhiều năm. Đồng thời, có thể cho các doanh nghiệp tiến hành kinh doanh quảng cáo, treo biển hiệu lên nhà vệ sinh, giúp tận dụng tối đa hiệu quả", ông Hiệp nhìn nhận.

nha ve sinh TP.HCM anh 3

Một ki-ốt nhà vệ sinh ở đường Tú Xương - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) vừa được dọn dẹp, bảo dưỡng sau nhiều phản ánh "quá dơ bẩn" của người dân xung quanh. Ảnh: Chí Hùng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương cho biết cần phải có sự thống nhất về chủ trương từ cơ quan lãnh đạo, có sự phân tầng trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý và xây dựng nhà vệ sinh công cộng.

"Từ tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới, TP.HCM có thể xây dựng tiêu chuẩn riêng cho nhà vệ sinh ở địa phương như chiều cao bồn cầu, hệ thống thoát nước và thông khí xây dựng thế nào... Cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, không nên để mỗi quận xây một kiểu", ông Phương nhận định.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý nên thay đổi quan điểm, nhìn nhận giá trị quan trọng của nhà vệ sinh. Đồng thời, cần nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ này cho người dân và khách du lịch.

"Những nhà quản lý lĩnh vực môi trường ở TP.HCM cần nhìn nhận rõ về giá trị của nhà vệ sinh. Đây là câu chuyện chiến lược quan trọng, giúp định hình và cải thiện bộ mặt du lịch của thành phố", Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Xã hội cho biết.

'Không thể chấp nhận TP.HCM thiếu nhà vệ sinh'

Đầu tháng 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị liên quan triển khai và giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng. Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị không được viện cớ không có quy hoạch để không triển khai chương trình nhà vệ sinh lưu động.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, khẩn trương lựa chọn vị trí thực hiện lắp đặt mới các nhà vệ sinh công cộng di động trên địa bàn. Về vị trí lắp đặt mới, cần thực hiện theo nguyên tắc xem đây là công trình công cộng thiết yếu để phục vụ nhu cầu công ích.

Trong khi đó, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết ngành du lịch thành phố rất quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh công cộng. Trên địa bàn hiện có 51 khu, điểm nhà vệ sinh công cộng. Lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM nhận định cần khuyến khích, tận dụng hệ thống nhà vệ sinh ở các điểm lưu trú, ăn uống trên địa bàn thành phố. Đây là mạng lưới nhà vệ sinh hiệu quả giúp hỗ trợ thành phố, đặc biệt cho du khách đến với TP.HCM.

Những cuốn sách hay về xã hội

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Đỏ mắt tìm nhà vệ sinh công cộng tại TP.HCM

Nhà vệ sinh công cộng không đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân mà nhiều nơi còn trở thành nỗi ám ảnh của khách du lịch khi đến TP.HCM.

Hiện trạng nhà vệ sinh công cộng ở trung tâm TP.HCM

Dù số lượng nhà vệ sinh công cộng ở TP.HCM chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân, một số nơi lại trong tình trạng “cửa đóng then cài”.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm