Cửa hàng kinh doanh ôtô để 6 xe hơi đậu chiếm trọn vỉa hè Trần Hưng Đạo, quận 1, hôm 9/6 và bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt. Ảnh: M.H. |
Sở GTVT TP.HCM dự kiến thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và dùng vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy theo vị trí. Việc này có thể đem lại nguồn thu ngân sách cho thành phố hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều chuyên gia đã đưa ra góp ý trong Hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, ngày 13/6.
Xây dựng lực lượng quản lý thu phí vỉa hè
Ông Phạm Văn Phố, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6, cho hay việc tạo nguồn thu ngân sách từ lòng đường, vỉa hè không nên là yếu tố được quan tâm hàng đầu, mà phải xem xét ở nhiều góc độ. Tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí cần được thực hiện chặt chẽ mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.
Ông Phạm Văn Phố, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 6 cho rằng tính minh bạch, công bằng trong việc thu phí vỉa hè cần được thực hiện chặt chẽ mới nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Ảnh: Anh Nhàn. |
"Mục đích của việc thu phí vỉa hè là tăng tính quản trị của chính quyền. Ở góc độ phát triển kinh tế, phải quan tâm đến doanh nghiệp, hộ dân trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê nhà, người buôn bán hàng rong, hộ kinh doanh nhỏ lẻ", ông Phố đưa ra quan điểm.
Theo ông, cũng cần xem xét yếu tố văn hóa, trong đó có tính cách văn hóa của người dân TP.HCM khi ứng xử với lòng đường, vỉa hè. Bên cạnh đó là yếu tố trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường.
Bà Hoàng Thị Lợi, Phó ban tư vấn dân chủ pháp luật Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận 1, dẫn chứng việc lấn chiếm lòng lề đường xảy ra thường xuyên tại TP.HCM, dù chính quyền nhiều đợt ra quân dẹp vỉa hè.
Do đó, việc thu phí vỉa hè được nhiều người dân đồng tình. Tuy vậy, bà Lợi bày tỏ băn khoăn về việc phân cấp quản lý và xây dựng lực lượng quản lý thu phí.
"Cán bộ công chức, viên chức ở các phường hiện nay nhận mức lương không cao, lực lượng lại mỏng do tinh giản biên chế. Khi có đề án thu phí vỉa hè, nên tính thêm chi phí cho những người này", bà Lợi nói.
Bà còn đề xuất cơ quan chức năng ưu tiên cho người dân ngay tại địa phương được thuê vỉa hè, lòng đường. Việc này giúp cơ quan chức năng dễ quản lý. Ngược lại, người dân ở khu vực khác tới kinh doanh khi xảy ra sai phạm sẽ khó quản lý hơn.
"Mức thu phí vỉa hè, lòng đường dành cho giữ xe được đề xuất 50.000-350.000 đồng/m2/tháng là quá thấp, trong khi giá giữ xe tại TP.HCM, đặc biệt là các quận khu trung tâm rất cao. Do đó, tôi đề nghị tăng mức phí giữ xe", bà Lợi đề xuất.
Dùng tiền thu phí cải tạo hạ tầng
Đưa ra con số thống kê, bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 3, phường 17, quận Bình Thạnh, cho rằng nếu chỉ cho thuê 1/4 diện tích lề đường trong số 12 triệu m2 vỉa hè, với giá 100.000 đồng/tháng/m2, thành phố có thể thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng.
"Thành phố nên đưa ra giải pháp thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe. Đây chiến lược lâu dài, giải quyết được bài toán quá tải hạ tầng đang quá tải hiện nay", bà Sáu cho hay.
Song song đó, bà Sáu đề xuất nguồn thu nên sử dụng vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng, cảnh quan đô thị... tại tuyến đường thu phí. Việc này giúp người dân thấy được hiệu quả rõ rệt từ đề án.
Đồng thời, thành phố nên giao cho một đơn vị thực hiện thu phí vỉa hè, nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo khi thực hiện. Không nên phân cấp cho chính quyền quận, huyện thu phí, bởi ngân sách Nhà nước phải “nuôi” thêm bộ phận không nhỏ phục vụ công tác này.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, nhìn nhận cần tính toán kỹ việc thu chi từ nguồn thu phí vỉa hè, lòng đường.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nhàn. |
“Đã tính được phần thu thì cũng phải tính được phần chi cho rõ ràng. Chúng tôi đề xuất các địa phương được giữ lại một phần thu để duy trì hoạt động, thay vì nộp toàn bộ về ngân sách thành phố”, luật sư Hòa nêu ý kiến.
Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nói đề án được xây dựng sau khi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, mô hình từ các thành phố lớn trong nước và nước ngoài về quản lý vỉa hè, văn hóa đô thị. Tiếp thu góp ý, ông Lâm cho biết sở sẽ bổ sung quy định quản lý lòng đường, vỉa hè để làm rõ trong dự thảo.
"Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi lẫn mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố. Mức phí và mức thu này hoàn toàn có căn cứ, cơ sở để trình HĐND ban hành toàn diện", ông Lâm nói.
Trong Dự thảo đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn”, Sở GTVT TP.HCM chia các quận, huyện ở TP.HCM làm 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó để đề xuất mức thu phí.
Trong đó, khu vực 1 (gồm các quận: 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000-100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ôtô, xe máy và xe đạp là 180.000-350.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 2 (quận 2 cũ, trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 6, 7, trừ Khu A Khu đô thị mới Nam TP.HCM, quận 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân), mức thu sử dụng hè phố để kinh doanh là 20.000-30.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe là 70.000-100.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 3 (các quận: 8, 12, quận 9 cũ, Thủ Đức cũ, Tân Phú, Gò Vấp) và khu vực 4 (các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 5 (huyện Cần Giờ), mức thu phí vỉa hè để kinh doanh là 20.000 đồng/m2/tháng và thu phí để trông giữ xe là 50.000 đồng/m2/tháng.
Sở thống kê TP.HCM có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5 m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3 m trở lên. Mức thu phí vỉa hè đề xuất 20.000-100.000 đồng/m2/tháng được chủ cửa hàng và người bán hàng rong đồng thuận cao. Quan điểm của đơn vị là phải ưu tiên 1,5 m vỉa hè cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại khi đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.