UBND TP.HCM vừa ra thông báo khẩn về việc siết chặt quản lý thiết bị bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sẽ không được phép cất cánh các thiết bị bay khi chưa được cấp phép.
Đối với các thiết bị bay đã được cấp phép, Bộ Tư lệnh thành phố cần phối hợp với Công an TP.HCM quản lý, theo dõi mục đích, phạm vi của những lần cất cánh. Công an và quân đội địa phương cần đảm bảo tuyệt đối không để xuất hiện hành vi lợi dụng hoạt động bay để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh xấu, rải truyền đơn chống phá Nhà nước, đe dọa tính mạng của người dân.
Vết móp trên mũi máy bay của T'way Air (trái) và của máy bay VietJet nghi do va chạm với thiết bị bay không người lái. Ảnh: Tiền Phong. |
Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động hàng không dân dụng, các tổ tuần tra sẽ kiểm soát chặt mọi thiết bị bay trong bán kính 8 km tính từ ranh giới sân bay Tân Sơn Nhất.
Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng thiết bị bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ ngày càng tăng cao tại TP.HCM. UBND TP.HCM cho biết một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng các phương tiện bay này khi chưa được cấp phép khiến ảnh hưởng đến việc quản lý vùng trời, uy hiếp an toàn hàng không đối với hoạt động của hàng không dân dụng.
Đặc biệt, việc sử dụng thiết bị bay tràn lan khi chưa được cấp phép còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự xã hội, có rủi ro khi kẻ xấu lợi dụng thiết bị bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ để thu thập thông tin các khu vực cấm, treo cờ, biểu ngữ, rải truyền đơn phản động, khủng bố.
Hồi tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia, sau 2 sự cố máy bay bị móp mũi.
Trong văn bản, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định pháp luật về mua bán, cấp phép các thiết bị bay không người lái để ngăn ngừa khả năng va chạm với máy bay dân dụng.