Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2017

Chủ trương của lãnh đạo TP.HCM là nỗ lực đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để có thể hoàn tất mọi mặt trong năm 2017.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành thành phố thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về phương án sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc thành phố giai đoạn 2016 - 2018.

Theo đó, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp (DN) TP.HCM phải khẩn trương rà soát, trình UBND TP.HCM ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa. Đồng thời lựa chọn, chỉ định đơn vị tư vấn cổ phần hóa có đủ năng lực, kinh nghiệm, và thẩm định, trình Ủy ban phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đúng đắn song song với việc xác định đúng và đủ giá trị DN.

TP.HCM hoan tat co phan hoa anh 1
Vissan là một trong những doanh nghiệp lớn ở TP.HCM đã hoàn tất việc cổ phần hóa trong năm 2016. Ảnh: VD

Thông qua những hoạt động đó, đảm bảo đến cuối năm 2017 phải hoàn thành cơ bản việc cổ phần hóa DNNN. Trường hợp một số DN có khó khăn, vướng mắc phức tạp, đến cuối năm 2018 phải hoàn thành.

Văn bản cũng nêu rõ Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đề xuất tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các tổng công ty, công ty mẹ, các công ty độc lập sau cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp chủ lực. Rà soát, đề xuất kế hoạch cổ phần hóa đối với doanh nghiệp độc quyền, nhằm mang lại chất lượng dịch vụ công ích tối đa cho người dân.

Đối với các doanh nghiệp công ích tại các quận, huyện phải phân tích kỹ nhiều vấn đề, không chỉ dựa trên một tiêu chí (phần trăm doanh thu sản phẩm dịch vụ công ích đặt hàng từ ngân sách nhà nước)...

Ban Chỉ đạo cổ phần hóa các DNNN TP.HCM (sau khi thành lập) phải thực hiện công bố công khai trong bản cáo bạch cho các nhà đầu tư tìm hiểu rõ trước khi quyết định mua cổ phần.

Cụ thể đối với các dự án, các khoản góp vốn đầu tư ra ngoài DN, các tài sản cố định DN đã chuyển nhượng trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị DN đến thời điểm tổ chức bán cổ phần lần đầu, tránh tình trạng thắc mắc, khiếu kiện của các nhà đầu tư.

Ông Liêm cũng chỉ đạo Sở Tài chính kiểm tra, rà soát ngay việc quản lý, sử dụng mặt bằng, nhà, đất của từng DNNN thực hiện cổ phần hóa. Kiên quyết thu hồi đối với các mặt bằng nhà, đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, công năng, không phù hợp quy hoạch để bán đấu giá, tạo nguồn thu cho ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Trong Dự thảo phương án sắp xếp, đổi mới DNNN thuộc TP.HCM giai đoạn 2016 - 2018, thành phố đề xuất giữ lại 8 DN 100% vốn nhà nước.

Cụ thể là Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Công ty TNHH MTV Phát triển Khu công nghệ cao, Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác nước ngầm Sài Gòn (thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn), Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài, Công ty Thảo cầm viên Sài Gòn và Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong.

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm