Trong ngày làm việc thứ ba Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thay mặt Đoàn Chủ tịch giải trình một số vấn đề còn khác nhau trong dự thảo văn kiện.
Ông Phong tập trung vào 3 vấn đề chính là chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố giai đoạn 2020-2025, thu nhập bình quân đầu người và năng suất lao động bình quân.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động đến kinh tế và xã hội. Nguồn lực đầu tư bị suy giảm, đặc biệt là vốn đầu tư toàn xã hội, tác động đến tăng trưởng GRDP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Thuận Thắng. |
Theo ông Phong, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm giảm 4,5%. Cơ cấu đầu tư gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tuy đầu tư công 9 tháng đầu năm tăng 53% so với cùng kỳ, nhưng chỉ chiếm 13% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Còn lại là vốn tư nhân và nước ngoài.
Ông đánh giá đầu tư từ tư nhân và FDI do tác động của dịch Covid-19 nên giảm, đây là một yếu tố bất lợi cho tăng trưởng giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, đầu tư công thì phụ thuộc vào tỷ lệ giữ lại ngân sách của TP. Hiện TP.HCM đã đề xuất năm 2021 được giữ lại 23% ngân sách. Tuy nhiên, do bối cảnh cả nước cùng khó khăn do dịch, đề xuất này chưa được Quốc hội thông qua. Ông dự báo đến năm 2022, đề xuất giữ lại 23% ngân sách mới được Quốc hội xem xét.
Do đó, thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Phong đề nghị Đại hội xem xét biểu quyết giảm chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2020-2025 từ mức 8-8,5% trong dự thảo văn kiện xuống mức 8%.
Từ việc quy mô GRDP giảm, Đoàn Chủ tịch xin xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Mức dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 8.500-9.000 USD/người/năm sẽ rất khó đạt, do đó xin giảm xuống khoảng 8.500 USD/người/năm.
Việc điều chỉnh giai đoạn 2020-2025 sẽ ảnh hưởng đến cả giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mức thu nhập bình quân của năm 2030 dự kiến khoảng 13.000 USD và năm 2045 dự kiến khoảng 37.000 USD (mức cũ là 40.000 USD).
Thứ ba, ông Phong thay mặt Đoàn Chủ tịch xin giữ nguyên chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động đạt bình quân 7%/năm. Ông cho biết mức tăng năng suất giai đoạn 2016-2020 khoảng 6,41%. Sau khi tính toán các yếu tố, khả năng tăng năng suất lao động đạt khoảng 6%/năm giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, Đoàn Chủ tịch xin bảo lưu và sẽ nỗ lực lớn để đạt mức 7%.
Sau khi ông Nguyễn Thành Phong giải trình và xin ý kiến, Đại hội thống nhất với ý kiến trên.