Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

TP.HCM giám sát chính quyền ra sao khi không tổ chức HĐND quận, phường

Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM hướng tới bộ máy chính quyền tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng phải đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân.

"Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM hướng tới bộ máy tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhưng phải đảm bảo phát huy quyền làm chủ của người dân", ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, chia sẻ với Zing.

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội thứ X, Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 16/11.

Với việc không tổ chức HĐND quận, phường, mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng giúp bộ máy hành chính của TP.HCM được tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều cử tri lo ngại quyền đại diện, giám sát và làm chủ của người dân sẽ chịu ảnh hưởng.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, khẳng định với mô hình chính quyền đô thị, sự tham gia của người dân trong hoạt động của chính quyền không suy giảm. Việc giảm tầng nấc, không thông qua nhiều cấp chính quyền còn giúp các kế hoạch của thành phố được triển khai nhanh, chính xác và phù hợp hơn với tính chất của một đô thị đặc biệt.

- Xin ông chia sẻ về mục tiêu trọng tâm mà mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ mang lại cho TP.HCM?

- Mục tiêu trọng tâm của mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là tổ chức bộ máy một cách tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Song song với mục tiêu đó, quyền làm chủ người dân cần được đảm bảo, duy trì và phát huy.

Ngoài ra, mô hình sẽ giúp thành phố tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hướng đến tính minh bạch trong hoạt động quản lý của chính quyền. Mọi nguồn lực cho sự phát triển thành phố sẽ được huy động, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

De an chinh quyen do thi HCM anh 1

- Cơ sở nào để TP.HCM đề xuất không tổ chức thí điểm mà bắt tay thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị?

- Về cơ sở thực tiễn, TP.HCM đã có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trong giai đoạn 2009-2016. Thời điểm đó, TP.HCM là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước với 24 quận, huyện và 259 phường.

Thí điểm cho thấy nhiều kết quả tích cực như bộ máy được tinh gọn, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ các cơ quan. Bộ máy hành chính Nhà nước được đảm bảo tính thống nhất, thông suốt và phát huy được hiệu quả, năng suất xử lý công việc.

Đối với cơ sở pháp lý, đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực.

Như vậy, việc không tổ chức HĐND ở quận, phường đã được luật pháp quy định và Quốc hội cho phép.

- Việc không tổ chức HĐND quận, phường sẽ có ngoại lệ cho TP Thủ Đức. Đặc điểm, nhu cầu nào của đơn vị hành chính này khiến thành phố đưa ra đề xuất đó?

- TP Thủ Đức sau khi được hình thành từ quận 2, quận 9, quận Thủ Đức sẽ đáp ứng đủ tiêu chuẩn đô thị loại I. Dự kiến, đơn vị hành chính mới sẽ có diện tích 211,56 km2, quy mô dân số trên 1 triệu người.

Nơi đây được kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa cả nước.

Với quy mô, tính chất như trên, đơn vị hành chính mới đòi hỏi cần có cấp chính quyền hoàn chỉnh với HĐND và UBND. Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ căn cứ vào thẩm quyền và các quy định pháp luật để phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ quan trọng cho ban lãnh đạo UBND TP Thủ Đức trực tiếp thực hiện.

Bằng những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những khó khăn bước đầu trong việc vận hành bộ máy hành chính của TP Thủ Đức sẽ sớm được giải quyết.

De an chinh quyen do thi HCM anh 2

- Khi không tổ chức HĐND quận, phường, cử tri lo ngại về quyền tiếp nhận thông tin của người dân sẽ ảnh hưởng. Ông nhận định thế nào về lo ngại này?

- Với mục tiêu bỏ cấp HĐND quận, phường, một số ý kiến cho rằng công tác giám sát, tiếp cận thông tin của người dân sẽ giảm đi. Tuy nhiên trong thực tế, việc đóng góp, tham gia của nhân dân trong xây dựng chính quyền sẽ được tăng cường dưới nhiều hình thức.

Cụ thể, vai trò của hệ thống chính quyền điện tử TP.HCM đã và đang phát huy hiệu quả trong cung cấp, công bố các thông tin, quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến nhân dân.

Người dân sẽ tham gia hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua việc trực tiếp đối thoại với lãnh đạo UBND các cấp tại những buổi hội nghị hoặc tiếp xúc cử tri định kỳ.

De an chinh quyen do thi HCM anh 3

Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, tiếp nhận thông tin và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, UBND các cấp cũng phân công thành viên để tham gia các buổi họp, hội nghị từng khu phố. Người dân cũng có thể trực tiếp phản ánh nguyện vọng, tâm tư qua hộp thư, sổ góp ý và hình thức gửi phiếu xin ý kiến về các công trình, dự án.

- Với việc bỏ HĐND quận, phường, việc giám sát, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng người dân đối với các cấp chính quyền được thực hiện ra sao?

- Khi không tổ chức HĐND phường, UBND phường sẽ thông qua Khu phố và MTTQ Việt Nam để tiếp nhận ý kiến của người dân trước khi quyết định một số việc quan trọng.

Ngoài ra, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy qua nhiều kênh như Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị và đặc biệt là đại diện các khu phố.

UBND các phường sẽ tăng cường giao ban với trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Nhân dân sẽ thực hiện quyền giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, người dân sẽ tiếp tục phản ánh, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng xây dựng đề án Vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP.HCM.

- Ngoài những quy định về bộ máy chính quyền, mô hình chính quyền đô thị của TP.HCM còn có quy định đặc thù gì về phân cấp quản lý chính sách, tài chính để đảm bảo sự vận hành hiệu quả thưa ông?

- Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Qua nghị quyết này, thành phố có quyền tự chủ trong vấn đề quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, sử dụng ngân sách Nhà nước trong một số trường hợp đặc biệt.

Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ có những quy định về cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức do TP quản lý.

Bằng những cơ chế đặc thù cho TP.HCM, thành phố sẽ có phương án phân cấp quản lý, tài chính phù hợp và đảm bảo cho bộ máy vận hành hiệu quả.

Sau khi Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, dự kiến các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM tại đợt họp thứ 2 chiều 16/11.

Nếu nghị quyết trên được thông qua, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định để thực hiện Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM. Phần việc tiếp theo, Thành ủy, UBND TP.HCM sẽ ban hành các văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Huy

Đồ họa: Như Ý
Ảnh: Quỳnh Danh - Quang Huy

Bạn có thể quan tâm