Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Về quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 8 tuyến đường sắt đô thị (MRT); 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (LRT). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM khoảng 220 km với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đến nay, Thành phố mới chỉ triển khai được 2 tuyến MRT, trong đó tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023, tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11 km dự kiến hoàn thành vào năm 2032.
Về thời gian thực hiện, tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thực hiện khoảng 16 năm, tuyến tàu điện ngầm số 2 giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) khoảng 22 năm. Thực tế sau khoảng 20 năm từ khi triển khai nghiên cứu, phát triển các dự án đường sắt đô thị, đến nay TP.HCM vẫn chưa có tuyến đường sắt đô thị nào chính thức vận hành thương mại.
Về mục tiêu, Kết luận số 49 của Bộ Chính trị nêu rõ mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.HCM vào năm 2035. Như vậy, TP.HCM phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm.
“Đây là một thách thức to lớn, nếu chúng ta tiếp tục triển khai với cách làm tương tự như trong thời gian 20 năm qua thì không thể thực hiện được mục tiêu tại Kết luận số 49 của Bộ Chính trị” - Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nêu ý kiến trong văn bản đề xuất.
Chính vì vậy, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho rằng, TP.HCM phải quyết tâm thay đổi quyết liệt, toàn diện, mạnh mẽ và đột phá để hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035. Trong đó, có thể nhận diện 5 lĩnh vực trọng yếu nhất cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể gồm: Quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; Nguồn lực tài chính; Thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; Giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị và Mô hình tổ chức, quản lý nguồn nhân lực.
Để có được sự tập trung cao nhất, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đề xuất UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.
Tổ công tác dự kiến do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM làm Tổ trưởng, các Tổ phó gồm: ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TP.HCM (Tổ phó thường trực), ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị và bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC). 14 thành viên còn lại trong tổ công tác là lãnh đạo các cơ quan, sở, ban ngành có liên quan.
Kỳ vọng cơ chế đặc thù
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, trong đó có một số điểm nổi bật, làm cơ sở cho việc phát triển xây dựng Hệ thống đường sắt đô thị. Đây có thể coi là một công cụ mạnh nhất trong bối cảnh hiện tại để Thành phố tăng tốc hiệu quả trong việc triển khai xây dựng Hệ thống đường sắt đô thị.
Theo đó, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Nghị quyết 98 cho phép Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM huy động tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để phát triển xây dựng Hệ thống đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 5 Nghị quyết 98 cũng cho phép Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Đề xuất làm lối thoát hiểm tạm cho ga ngầm Metro 1 ở TP.HCM
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) có văn bản khẩn gửi Sở Xây dựng TP.HCM về tháo gỡ vướng mắc triển khai hạng mục kết nối lối lên xuống của nhà ga trung tâm Bến Thành.
Chính phủ gỡ khó cho công ty vận hành metro số 1 có vốn hoạt động
Phó thủ tướng Lê Minh Khái kết luận việc bảo đảm nguồn lực để hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại metro số 1.
Nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 đến Bình Dương, Đồng Nai
Tuyến metro số 1 đang được nghiên cứu kéo dài thêm đến Bình Dương, Đồng Nai để tăng liên kết vùng, kích cầu du lịch.