Chiều 17/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban Chỉ đạo) họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại thành phố.
Buổi họp báo tập trung thông tin về các vấn đề: Tình hình học sinh mắc Covid-19 trong trường học; sự lúng túng của các trường trong giải quyết các ca F0, F1; kế hoạch đón khách du lịch tại TP.HCM; tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ...
F0 ở trường học tăng
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT), cho biết tỷ lệ trẻ đến trường từ 14/2 đến nay như sau: Mầm non đạt 66,33%; tiểu học đạt 95,99%; THCS đạt 96,89%, và THPT đạt 98,93%.
Những ngày qua, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường tiếp tục tăng. Cùng với đó, số ca F0 được ghi nhận tại trường học có dấu hiệu tăng. Dự kiến, ngày 17/2, số F0 được phát hiện tiếp tục tăng nhưng đều là ca nhiễm nhẹ.
Số ca F0 ghi nhận tại trường học của TP.HCM từ 14/2 | ||||
Nguồn: Sở GDĐT TP.HCM | ||||
Nhãn | 14/2 | 15/2 | 16/2 | |
F0 | ca | 27 | 50 | 86 |
Về việc tổ chức dạy học theo cấp độ dịch, ông Trọng cho biết 2 tuần vừa qua, các cơ sở giáo dục đều dạy học trực tiếp theo cấp độ 1 vì TP.HCM và 22 địa phương đều ở cấp 1 (theo cách đánh giá cấp độ dịch cũ). Sau khi thay đổi đánh giá cấp độ dịch, thu hẹp lại ở cấp phường, xã thì đến nay, cơ sở giáo dục vẫn tổ chức hoạt động theo quy định chung ở cấp độ 1.
“Trong tình huống phát sinh phức tạp thì Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của các địa phương sẽ có điều chỉnh tại các cơ sở tùy theo cấp độ. Sở GDĐT đang cùng Sở Y tế để tham mưu và có văn bản hướng dẫn rõ hơn về vấn đề này”, ông Trọng cho hay.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Về việc nhiều cơ sở chưa tổ chức học bán trú gây khó khăn cho phụ huynh, ông Trọng cho hay từ khi TP.HCM xây dựng kế hoạch tổ chức cho học sinh học trực tiếp, Sở GDĐT không cấm mà khuyến khích các cơ sở nỗ lực thực hiện học bán trú để tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Sở GDĐT và Sở Y tế đã tổ chức hướng dẫn chuyên sâu về tổ chức học bán trú an toàn cho các đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế là có cơ sở chưa thể thực hiện ngay các hoạt động này. Nguyên nhân là điều kiện về cơ sở vật chất, quy mô học sinh trong những tuần đầu gây khó cho cơ sở. Một số cơ sở đang chuẩn bị để mở lại các hoạt động này trong thời gian sớm nhất.
"Các hoạt động này rất đặc thù, trong thời gian ngắn phục vụ số học sinh đông và phải đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch thì việc đáp ứng đầy đủ ngay cho học sinh là rất khó”, ông Trọng chia sẻ.
Trường học lúng túng trong xử lý F0, F1
Về vấn đề khi có F0, F1 trong lớp, học sinh phải cách ly 14 ngày, ảnh hưởng đến việc học và tổ chức dạy học tại nhà trường, ông Trọng thông tin hiện quy định về cách ly, xác định F0, F1 và cách ly vẫn đang thực hiện theo quy định 9038 của Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, với học sinh lớp 1 được xác định là F1 và chưa được tiêm vaccine sẽ phải nghỉ ở nhà 14 ngày để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm nhanh nếu có biểu hiện trong 14 ngày.
Sở GDĐT cho biết quy định mới của Bộ Y tế về xác định F1 có thay đổi. Trên tinh thần làm sao đảm bảo việc học tập của học sinh ít bị xáo trộn khi có F0, Bộ GDĐT và Bộ Y tế đang thống nhất để ban hành quy định về F0, F1 và cách ly trong hệ thống giáo dục. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ ban hành văn bản sớm nhất để thay thế quy định 9038 hiện hành.
"Một số cơ sở giáo dục đang rất lúng túng trong chuyện này. Quy định của Bộ Y tế, tại văn bản 9038 và thực tế có sự vênh nhau", ông Trọng cho hay.
Nhiều trường học lúng túng trong xử lý F0, F1 tại trường học. Ảnh: Phương Lâm. |
Hiện, một số địa phương, trung tâm y tế, trạm y tế đã linh hoạt trong xác định F1 để thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, duy trì tối đa việc học cho học sinh, đặc biệt là khối tiểu học. Ngành giáo dục chỉ đạo các cơ sở phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở để đưa ra chỉ dẫn cụ thể phù hợp với diễn biến thực tế.
Nói thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế cùng với Sở GDĐT đang giám sát chặt học sinh trong các trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên; đồng thời, quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời.
Một trong những vấn đề được chuyên gia ngành y tế rất quan tâm là số ca trong cộng đồng đang “nhích nhẹ lên”. Nguyên nhân là người dân về lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ và TP.HCM cho học sinh trở lại trường. Do đó, công tác kiểm tra của ngành giáo dục và y tế phải được tăng cường.
Bà Mai lưu ý với nhóm mầm non, tiểu học cần phải đặc biệt chú ý đến cô giáo, bảo mẫu vì đây là nhóm có thể lây nhiễm cho trẻ. Trong khi đó, trẻ em không duy trì được việc đeo khẩu trang như người lớn.
Thiếu xăng dầu cục bộ
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định không có tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại TP.HCM.
“Việc thiếu xăng dầu chỉ mang tính cục bộ ở một số đơn vị, còn phạm vi toàn thành phố không thiếu”, ông Phương nói.
Cụ thể, từ lúc điều chỉnh giá ngày 11/2, TP.HCM chỉ có 3 cửa hàng tạm ngưng hoạt động (trong đó 2 cửa hàng đã đóng cửa từ trước do chờ cấp giấy kinh doanh xăng dầu và sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy).
Từ 12/2 đến nay, TP.HCM ghi nhận 5 cửa hàng không đóng cửa nhưng thiếu một số mặt hàng (có lúc thiếu xăng, có lúc thiếu dầu). Đến nay, 2/5 cửa hàng đã có lượng xăng dầu đầy đủ.
“5 cửa hàng này nằm trong số 548 cửa hàng bán lẻ trên toàn thành phố, chiếm chưa tới 1%. Như vậy, bán lẻ không có vấn đề”, ông nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Sở Công Thương thông tin thêm vừa qua, 71 cửa hàng và 43 đại lý của Petrolimex (chiếm hơn 1/5 số cửa hàng bán lẻ của TP.HCM) đã tăng giờ bán so với trước. Trong đó, 27 cửa hàng phục vụ 24/24, còn lại hoạt động từ 6-24 giờ/ngày.
Về nguồn hàng dự trữ, qua báo cáo của 8/15 doanh nghiệp đầu mối, lượng dự trữ xăng dầu cũ và nhập khẩu hiện là 465.000 m3, trong đó có 245.000 m3 xăng và 220.000 m3 dầu. 8 doanh nghiệp đầu mối này chiếm thị phần hơn 70% nguồn hàng của thành phố.
“So với mức tiêu thụ 206.000 m3/tháng thì rõ ràng lượng hàng này đã đủ dự trữ cho TP.HCM hơn 1 tháng”, ông cho hay.
Về nguyên nhân chính khiến một số cửa hàng, đơn vị thiếu xăng, ông Phương cho biết đây là các đơn vị lấy hàng tại nhà máy Nghi Sơn và thời gian qua, nhà máy này có giảm sản lượng. Dự báo, từ nay đến cuối tháng, sản lượng của nhà máy Nghi Sơn tăng cùng với lượng hàng nhập khẩu liên tục thì tình hình thiếu xăng tại một số đơn vị được khắc phục rất sớm.
Bên cạnh đó, giá dầu thế giới từ 12/2 đến nay đang có xu hướng giảm, do đó, ông đánh giá từ nay đến cuối tháng tình hình sẽ ổn định bình thường.
13 khách sạn 5 sao được đón khách quốc tế
Thông tin về tình hình đón khách nước ngoài, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM, cho biết khi TP.HCM là một trong 7 tỉnh, thành được Thủ tướng cho phép đón tiếp khách quốc tế đến Việt Nam, thành phố đã ban hành kế hoạch với 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ tháng 1 đến 31/3, thành phố đón khách quốc tế đến các địa phương được Thủ tướng cho phép. Giai đoạn 2 từ tháng 4 trở đi, TP.HCM mở rộng việc đón khách quốc tế dựa trên tình hình của cả nước và khu vực, đưa khách đến tham quan các điểm phù hợp.
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Sở Du lịch cũng hoàn thiện cơ sở vật chất để đón khách quốc tế, ban hành tiêu chí để cơ sở lưu trú, công ty du lịch có thể tham gia thí điểm.
Hiện, 13 cơ sở kinh doanh lưu trú 5 sao được thẩm định và cho phép tham gia chương trình thí điểm này. 56 khách sạn 3-5 sao đang chuẩn bị hồ sơ để đưa vào danh sách đón khách quốc tế. 10 doanh nghiệp kinh doanh quốc tế cũng đăng ký tham gia và 7/45 điểm tham quan đã nộp hồ sơ để Sở Du lịch thẩm định, cho phép đón khách quốc tế.
Sau dịch bệnh, tâm lý du khách gắn với du lịch thiên nhiên nên sở phối hợp với các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè nhằm khai thác thêm tiềm năng du lịch của các địa phương để có sản phẩm mới, góp phần gia tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến TP.HCM.
TP.HCM ghi nhận 166 ca Omicron
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết từ ngày 1/1 đến nay TP.HCM ghi nhận 166 ca mắc Omicron (155 ca nhập cảnh và 11 ca được phát hiện trong cộng đồng). Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành để tăng cường giám sát, mở lại các đường bay và giám sát cả ở nhập cảnh và trong cộng đồng.
Bà Mai cho biết trong 5 ca mắc Omicron trong cộng đồng được ghi nhận gần đây, TP.HCM xác định 19 F1. Trong đó, 3 trường hợp dương tính. Một ca trong số này được xác định mắc Omicron. Đây là ca Omicron trong cộng đồng thứ 11 được ghi nhận tại TP.HCM.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tính đến 18h ngày 16/2, TP.HCM có 518.052 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 517.138 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 914 trường hợp nhập cảnh.
Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng tăng kể từ ngày 7/2, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần. Cụ thể, số ca ghi nhận ngày 8/2 là 116 ca và liên tục tăng, đến 16/2 là 620 ca.
Hiện, TP.HCM điều trị 844 bệnh nhân, trong đó có 45 trẻ em dưới 16 tuổi, 62 bệnh nhân nặng thở máy, 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 16/2, thành phố ghi nhận 115 bệnh nhân nhập viện, 72 bệnh nhân xuất viện và 4 trường hợp tử vong.
Đến 16/2, TP.HCM đã tiêm hơn 3,96 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 nhắc lại và hơn 665.000 mũi vaccine bổ sung.
Theo đánh giá cấp độ dịch mới đây của Sở Y tế, TP.HCM có 275 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh), 37 phường, xã cấp 2, tăng 36 phường, xã cấp 2 so với cách đánh giá cũ.