Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6, Thủ tướng đồng ý với đề xuất cho TP.HCM giữ lại hơn 67.000 tỷ đồng từ nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, lãnh đạo TP.HCM cho biết TP đã cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của thành phố, giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 67.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư công quan trọng, cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6. Ảnh: Hoàng Bình. |
Do đó, TP.HCM mong muốn Chính phủ cho giữ và sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phục vụ cho việc đầu tư, phát triển của thành phố.
Thủ tướng cũng chỉ đạo TP.HCM cần làm rõ về đề xuất xin thêm vốn ODA cho 2 dự án trọng điểm từ nay đến năm 2020. Trong đó dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) là 20.930 tỷ đồng và dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng
Chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM cần phải năng động, cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo trong quản lý.
Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo TP về chỉ số năng lực cạnh tranh tụt hạn trong những năm gần đây, đó là điều chưa tương xứng với tiềm năng của TP dẫn đầu thu ngân sách cả nước. TP còn đứng trước nhiều thách thức về an ninh trật tự, không gian sống dần bị thu hẹp, hệ thống chống ngập, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu…
“Nếu không giải quyết đồng bộ, quyết liệt hơn TP.HCM sẽ đi vào vết xe của các TP châu Á về vấn đề khủng hoản môi trường, kẹt xe. Về vấn đề xử lý rác, TP cần phải có giải pháp công nghệ mới, không thể mở rộng chôn lấp. Phải quy hoạch, đầu tư với chủ trương biến rác thành năng lượng, thành phân bón chứ không thể chôn lấp mãi được”, Thủ tướng nhấn mạnh.