Ngày 10/4, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở GTVT đã ký kết quy chế phối hợp về cung cấp các thông tin chỉ tiêu chất lượng môi trường của TP.HCM trên 48 bảng điện tử. Các bảng điện tử này đang được sử dụng để thông báo thông tin về giao thông.
Các chỉ tiêu chất lượng không khí được công bố gồm NO2, CO2, bụi, tiếng ồn còn chỉ tiêu môi trường nước mặt gồm pH, BOD5, COD và DO.
Theo kế hoạch, thời gian đầu, các chỉ tiêu môi trường sẽ được cập nhật định kỳ mỗi tháng một lần. Sau đó, sẽ tăng cường tần xuất cập nhật quan trắc môi trường lên bảng điện tử từ 3-4 lần mỗi tháng.
Theo số liệu quan trắc nước, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang thiếu ôxy. Ảnh: Thuận Lâm. |
Tại buổi ký kết, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho rằng việc công bố giúp người dân thành phố tiếp cận và giám sát chất lượng môi trường sống xung quanh mình. Nó sẽ tác động đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong việc cải thiện môi trường và khuyến khích sự quan tâm, hành động bảo về môi trường của người dân.
Theo ông Thắng, bên cạnh giải pháp đưa chỉ tiêu môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử, sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa thông tin quan trắc lên điện thoại thông minh (smartphone).
Ngoài việc đưa chỉ tiêu môi trường lên bảng thông tin giao thông điện tử, sắp tới Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đưa thông tin quan trắc lên điện thoại thông minh. Ảnh: Hoàng Bình. |
Nhiều năm qua, thành phố vẫn chưa đầu tư hệ thống quan trắc môi trường hoàn chỉnh. Việc thu thập dữ liệu về môi trường chủ yếu dựa vào phương pháp bán tự động (nhân viên đi lấy mẫu đem về phòng thí nghiệm phân tích) nên khó có thể đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí, môi trường nước của thành phố một cách chính xác, đồng bộ.
9 trạm quan trắc do Chính phủ Na Uy, Đan Mạch hỗ trợ xây dựng từ năm 2003 hoạt động đến năm 2012 thì bị hỏng hoàn toàn. 16 trạm quan trắc nước thải tại các khu công nghiệp đang trục trặc.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện trên địa bàn TP.HCM có 20 trạm quan trắc không khí, 26 trạm quan trắc nước mặt và 20 trạm quan trắc nước sông.
Tại thời điểm công bố chỉ tiêu môi trường lên các bảng điện tử, tình hình không khí và nước mặt trên địa bàn thành phố tương đối đảm bảo tiêu chuẩn.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã đề xuất UBND thành phố chấp thuận dự án đầu tư xây dựng 27 trạm quan trắc tự động và 227 trạm quan trắc bán tự động để quan trắc các dữ liệu ô nhiễm nước mặt, nước ngầm và không khí với kinh phí khoảng 495 tỉ đồng.