Sau dự án hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Bến Nghé - Tàu Hủ, hàng loạt dự án nạo vét kênh quy mô lớn tiếp tục được TP.HCM ưu tiên đầu tư.
Kế hoạch này nhằm hiện thực hóa "giấc mơ" hồi sinh những dòng kênh, cải thiện môi trường sống, chỉnh trang đô thị.
Những dự án đã được "lên lịch"
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên
Dự án có kinh phí hơn 8.200 tỷ đồng, đang được triển khai tại các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đây là dự án được kỳ vọng vào năm 2025 sẽ đổi thay bộ mặt đô thị cho toàn bộ khu vực có diện tích 14.900ha.
Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang được triển khai đoạn qua quận Bình Tân. Ảnh: Tuấn Kiệt |
Các hạng mục của dự án bao gồm: Xây dựng bờ kè kênh tổng chiều dài 63km, nạo vét kênh dài 31km, đường giao thông hai bên bờ kênh, công trình thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cải tạo cảnh quan dọc tuyến… Mục đích dự án là chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, tăng cường năng lực giao thông cho trục Bắc - Nam TP.HCM…
Bên cạnh đó, TP.HCM hiện cũng ưu tiên triển khai loạt dự án cải tạo môi trường, nạo vét kênh, rạch khác bao gồm: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh và Gò Vấp); Nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh); Cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8); Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tẻ (quận 4); Cải tạo kênh Hy vọng (quận Tân Bình).
Những căn nhà lụp xụp ven rạch Xuyên Tâm, đoạn qua quận Bình Thạnh. Ảnh: Nguyễn Huế |
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm
TP.HCM sẽ chi hơn 9.600 tỷ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh, Gò Vấp), với tuyến rạch chính dài gần 6,7km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 3 nhánh dài hơn 2,2km (nhánh cầu Sơn, Bình Triệu và Bình Lợi).
Theo kế hoạch, lòng rạch Xuyên Tâm sẽ được nạo vét sâu 3,5m, rộng 20-30m cùng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa đồng bộ. Hai bên bờ sẽ được xây dựng đường, mỗi bên hai làn xe rộng 6m, vỉa hè từ 3-4m cùng công viên, mảng xanh, hệ thống chiếu sáng...
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.664 tỷ đồng, trong đó dự toán bồi thường hơn 6.371 tỷ đồng.
Để triển khai dự án này, quận Gò Vấp sẽ giải tỏa 137 trường hợp ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi gần 25.000m2, chi phí bồi thường hơn 354 tỷ đồng.
Còn quận Bình Thạnh có 2.122 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án trên địa bàn 7 phường, trong đó có 1.273 trường hợp giải tỏa trắng. Tổng kinh phí bồi thường dự án ở quận Bình Thạnh gần 6.000 tỷ đồng.
Dự án sẽ khởi công cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2028.
Những khu "ổ chuột" ven kênh Đôi (quận 8). Ảnh: Nguyễn Huế |
Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi
Dự án được thực hiện tại quận 8, có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Hồi tháng 4/2023, UBND TP.HCM đã thông qua chủ trương đưa vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn dự kiến tăng thêm giai đoạn 2021-2025.
Quy mô xây dựng của dự án khoảng 4,3km kè, kết hợp nạo vét một phần lòng sông kênh Đôi phía bờ Bắc; mở rộng đường Hoài Thanh, Nguyễn Duy lên 20m; xây mới đường Nguyễn Duy nối dài (từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu chữ Y) rộng 16m và cầu Hiệp Ân 2.
Quận 8 có 1.571 trường hợp bị ảnh hưởng giải tỏa với tổng diện tích thu hồi hơn 5,5ha, với 1.005 trường hợp giải tỏa trắng. Chi phí dự kiến cho công tác bồi thường khoảng 3.500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2024, hoàn thành năm 2028.
Rác vây kín các dòng kênh gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Nguyễn Huế |
3 dự án đang chờ thủ tục
Mới đây, Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo các sở ngành đẩy nhanh hoàn tất thủ tục đầu tư, trình HĐND TP phê duyệt chủ trương và bổ sung vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với 3 dự án khác: cải tạo kênh Hy Vọng, cải tạo rạch Văn Thánh, cải tạo môi trường kênh Tẻ.
Các dự án này cần di dời gần 2.000 căn nhà với tổng vốn bồi thường khoảng 8.600 tỷ đồng.
Rạch Văn Thánh có hơn 1.000 căn nhà tạm bợ cần di dời để chỉnh trang đô thị. Ảnh: Nguyễn Huế |
Rạch Văn Thánh (thuộc hệ thống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) có phạm vi từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tổng chiều dài khoảng 1,5km.
Nhiều năm qua, tình trạng bị bồi lấp và lấn chiếm trong thời gian dài khiến rạch Văn Thánh bị ô nhiễm nặng, giảm khả năng thoát nước và giao thông đường thủy.
Dự kiến, dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh sẽ di dời 1.063 căn nhà với tổng vốn bồi thường khoảng 4.921 tỷ đồng. Công trình gồm nạo vét lòng kênh và xây dựng đường giao thông hai bên, giúp cải tạo môi trường, khơi thông dòng chảy và tăng kết nối giao thông. Hiện dự án được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.
Kênh Tẻ là một con kênh đào dài 4,4 km, nối từ sông Sài Gòn đến ngã tư giao với kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kênh Đôi. Dự án án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tẻ sẽ di dời 741 căn nhà với tổng vốn bồi thường khoảng 2.089 tỷ đồng. Đối với dự án này, thủ tục chuẩn bị đầu tư đang được triển khai.
Kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đối mặt với tình trạng ô nhiễm. Nhà dân xây dựng trên kênh làm giảm khả năng thoát nước cho sân bay.
Dự kiến, kênh Hy Vọng sẽ được cải tạo đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài 1,1km. Để thực hiện, 179 căn nhà sẽ phải di dời với kinh phí bồi thường khoảng 1.595 tỷ đồng. Công trình bố trí 55 hố thu, kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, cống qua đường... Dọc hai bờ kênh, dự án làm đường rộng 6m cùng vỉa hè và hệ thống thoát nước, chiếu sáng, lan can...
Hiện tại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.