Sáng 10/4, tại hội nghị Chính phủ với địa phương, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM đều đưa ra nhiều kiến nghị để thúc đẩy phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh kết thúc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết thành phố sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, coi như một bệ đỡ cho kinh tế. Năm nay, nông nghiệp sẽ phấn đấu tăng trưởng 4%, tập trung vào chăn nuôi lợn, đại gia súc, gia cầm.
Thành phố phấn đấu đưa đàn lợn lên 1,8 triệu con, chuyển nhiều diện tích đất trồng hoa, đất nông nghiệp sang trồng rau củ quả.
Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ. |
Về đầu tư công, 5 năm qua, tổng vốn đầu tư công của Hà Nội là 107.300 tỷ đồng. Bình quân 4 năm qua, lũy kế đã giải ngân đạt 86%. Số còn lại năm 2020 và trước đó có khoảng 37.000-40.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục được giải ngân.
Qua rà soát, mặc dù ngân sách trên địa bàn có thể giảm 30.000-33.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố có thể sụt giảm 10.000-15.000 tỷ đồng, nhưng Hà Nội quyết không cắt giảm đầu tư công mà cắt giảm 5% chi thường xuyên, sau khi đã giảm 10% so với dự toán trước đây.
"Nếu giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng đến cuối năm thì đây là nguồn lực lớn để giải quyết các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu", ông Huệ nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội đang phấn đấu giảm thiệt hại ở mức thấp nhất và đạt tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%.
TP.HCM kiến nghị giảm 50% giá điện giờ cao điểm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Huệ đề nghị Chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành cùng với Hà Nội đẩy nhanh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Thành phố cũng mong muốn các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn, đặc biệt là đường vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long, cố gắng phấn đấu đến tháng 9 sẽ hoàn thành…
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thu ngân sách TP gặp khó khăn khi chỉ đạt 88.241 tỷ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ.
Đến tháng 3, tác động của dịch Covid-19 rõ hơn khi trung bình mỗi ngày làm việc chỉ thu được 947 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ.
Ông Phong tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệt hại của dịch bệnh trên địa bàn.
Lãnh đạo UBND TP.HCM còn kiến nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9h30 đến 11h30), trước mắt điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong các tháng 3, 4 và 5 như từng kiến nghị.