Ngày 15/7, làm việc tại Trung tâm điều hành giao thông thông minh của TP.HCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết đây là một trong những công trình quan trọng giúp giao thông thành phố có thể vận hành hiệu quả.
"Nếu trung tâm này đóng cửa, giao thông thành phố sẽ lập tức rối loạn", ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó chủ tịch UBND TP thăm Trung tâm điều hành giao thông thông minh. Ảnh: Quang Huy. |
Người dân cùng tham gia vận hành
Với 775 camera giám sát, hình ảnh về tình hình giao thông khu vực trung tâm thành phố được truyền liên tục về. Các ca trực được bố trí luân phiên, đảm bảo vận hành hệ thống 24 giờ mỗi ngày.
Khi phát hiện điểm ùn tắc, sự cố giao thông, các nhân viên điều hành sẽ báo cáo cho Phòng CSGT TP, các đơn vị quản lý hạ tầng để có biện pháp xử lý. Hệ thống còn hỗ trợ truy xuất hình ảnh các vụ tai nạn giao thông phục vụ việc điều tra.
Hình ảnh về tình hình giao thông được truyền tải liên tục về trung tâm. Ảnh: Quang Huy. |
Thông qua hệ thống giám sát, nhân viên vận hành sẽ có thể điều khiển đèn tín hiệu cho 188 nút giao thông thuộc 78 tuyến đường trong trung tâm thành phố cùng 28 nút giao thông trên tuyến Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ.
Ngoài ra, dữ liệu về tình hình giao thông sẽ được chia sẻ trực tiếp với người sử dụng phần mềm cảnh báo giao thông, cổng thông tin giao thông để có quyết định đường đi phù hợp, tránh khu vực ùn tắc.
Người dân còn có thể tương tác với trung tâm, đóng góp, phản ánh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá cao tính hiệu quả của hệ thống giao thông thông minh và phần mềm cảnh báo ùn tắc.
Theo ông, Trung tâm điều hành giao thông thông minh được phát triển từ Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn trước đây. Với tầm hoạt động hiện tại lên tới 36 km2, nơi này đã vượt xa yêu cầu tại thời điểm bắt đầu hoạt động năm 2011.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: Quang Huy. |
"Vấn đề giao thông không thể phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền. Thông qua ứng dụng, người dân sẽ tự phản ánh, điều tiết, lựa chọn tuyến đường nhằm giảm bớt sức nặng cho tình hình giao thông thành phố", Phó chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.
Đầu tư cho tương lai
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP.HCM ngoài chức năng giám sát, phân luồng, đưa ra giải pháp khắc phục còn có khả năng dự báo, mô phỏng nhu cầu giao thông trên cơ sở thu thập dữ liệu. Chức năng này sẽ góp phần định hướng xây dựng chính sách, quản lý giao thông đô thị và xây dựng hạ tầng trong tương lai.
Để có thể làm được nhiệm vụ này, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, trung tâm đã mua lại giải pháp phần mềm trị giá 500.000 USD của Đức.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc đầu tư trên là đúng hướng bởi ngoài lợi ích trước mắt, hệ thống sẽ mang lại nhiều lợi ích sau này. Để theo kịp sự phát triển của công nghệ, trung tâm cần tiếp tục học hỏi, áp dụng công nghệ mới của thế giới.
Bí thư Thành ủy TP.HCM: "Trong vấn đề quản lý giao thông thông minh chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, thuê chuyên gia nước ngoài". Ảnh: Quang Huy. |
"Trong vấn đề quản lý giao thông thông minh chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm, thuê chuyên gia nước ngoài bởi họ đã đi trước nhiều năm", người đứng đầu Thành ủy góp ý.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị nhanh chóng bổ sung thêm khoảng 90 camera theo đề xuất của lãnh đạo Sở GTVT, xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực lâu dài cho trung tâm. Bên cạnh đó, các sở, ngành cần công bố thời hạn về quy trình khi các đơn vị xin ý kiến về phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
"Đối với vấn đề phát triển giao thông đô thị, các sở, ngành cần nhanh chóng trả lời các cơ quan, đơn vị xin ý kiến. Một đến hai tuần chưa trả lời coi như đã được thông qua", Bí thư Nhân yêu cầu.