TP.HCM hiện là trung tâm tài chính của cả nước và là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Thế nhưng, để trở thành trung tâm tài chính quốc tế và được xếp hạng, thành phố cần hành lang pháp lý để mở rộng không gian hoạt động cho thị trường tài chính - ngân hàng.
Tại Hội thảo Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế sáng 25/2, chuyên gia phân tích và nêu nhiều giải pháp để thành phố có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào giai đoạn 2026-2030.
TP.HCM cũng công bố dự thảo báo cáo tóm tắt đề án này, dựa trên tổng hợp 2 bản dự thảo của Đại học Fulbright và Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG).
TP.HCM đã là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), từ tháng 3/2020, TP.HCM đã được đánh giá là một trung tâm tài chính thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính toàn cầu (Global Financial Centres Index - GFCI). Đến tháng 9/2021, thành phố đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFCI.
Khung phân tích đánh giá xếp hạng vị thế do đơn vị này xây dựng dựa trên 5 trụ cột: Vốn con người, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành và danh tiếng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng. |
Nói rõ thêm, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết GFCI đánh giá TP.HCM là một trung tâm tài chính toàn cầu, nhưng xếp hạng không nói là trung tâm tài chính quốc gia hay quốc tế, mà là trung tâm tài chính toàn cầu thứ cấp. Tính chất thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh.
Do đó, thành phố có điều kiện đầy đủ hơn so với địa phương khác để phát triển TTTC quốc tế nếu xét trên các tiêu chí trên, đặc biệt là về mức độ tập trung của thị trường và định chế tài chính cũng như tiềm năng phát triển.
Để đánh giá năng lực cạnh tranh của thành phố, đề án so sánh với 14 trung tâm khác trong khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Á.
Xét trên yếu tố địa kinh tế, thị trường tài chính trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể phân thành ba nhóm: Yếu; trung bình; mạnh. Singapore là quốc gia duy nhất ở nhóm mạnh.
Theo điểm đánh giá, ông Thành cho biết năng lực cạnh tranh của TP.HCM ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực như Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và không thua Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) nhiều.
"Ta bằng Manila, Jakarta nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh thì có thể vượt và tiến tới ngang Bangkok, Kuala Lumpur trong giai đoạn 2026-2030. Song, khách quan thì không thể bắt kịp Singapore, Hong Kong", ông Thành nhận định.
Trước phân tích đó, TP.HCM đặt mục tiêu là thị trường tài chính mạnh thứ hai trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore.
Tuy nhiên, chuyên gia thận trọng đánh giá đề án này nhanh nhất phải đến cuối nhiệm kỳ mới có thể thông suốt chính sách đột phá, từ đó triển khai trong giai đoạn 2026-2030.
Trung tâm tài chính nằm ở quận 1 và Thủ Thiêm
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết GFCI băn khoăn về một điểm yếu của thành phố là nơi đây hiện hữu nhiều dịch vụ mới nổi, tốc độ tăng trưởng nhanh, nhưng liệu sẽ phát triển ngắn hạn hay dài hạn. Ví dụ, TP.HCM đang có hơn 200 doanh nghiệp Fintech. Câu hỏi là liệu những doanh nghiệp này có thành tổ chức tài chính số, hay chỉ là start-up (khởi nghiệp) rồi "chết yểu".
Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu đề án đánh giá Fintech và ngân hàng số là 2 xu hướng phù hợp mà thành phố nên tập trung phát triển.
Một hạn chế khác là Việt Nam chưa có không gian pháp lý cho tập đoàn tài chính đa ngành, đa dịch vụ hoạt động.
"Nơi mà năng lực quản lý chưa đủ, khung pháp lý chưa đủ thì sẽ không cho phép tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính vì quá rủi ro. Nhưng nếu anh không dám nâng cao năng lực, không dám đột phá thì sẽ chỉ có các ngân hàng thương mại", ông Thành chỉ ra vấn đề.
Qua khảo sát, ông Thành cho biết một số tổ chức trong nước, đặc biệt là ngân hàng thương mại, đã phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC). Ảnh: Thu Hằng. |
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính quốc tế chưa hiện diện nhiều do họ chỉ có giấy phép để kinh doanh ngân hàng truyền thống, khó xin thêm giấy phép hoạt động lĩnh vực khác. Số ngân hàng quốc tế còn trụ lại hầu hết phục vụ doanh nghiệp FDI, hoặc có tệp khách hàng lớn tại TP.HCM. Những ngân hàng quốc tế thấy không có hy vọng phát triển thành tập đoàn tài chính thì đều rút vốn, bán lại, hoặc thu hẹp thị trường tại Việt Nam.
Do đó, kiến nghị quan trọng nhất của ông Thành là TP.HCM cần có khung pháp lý cho tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Cơ chế này hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuê đất hay giảm thuế.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng trung tâm tài chính không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp cụ thể. Đó là một hệ sinh thái. Và hệ sinh thái này đã rất phát triển tại quận 1. Bên cạnh trụ sở tài chính sẵn có tại quận 1, TP.HCM sẽ phát triển trung tâm tài chính - thương mại tại Thủ Thiêm.
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang, thành phố định hướng phát triển thành trung tâm tài chính quốc gia với nền tảng vững chắc trong giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị điều kiện cần thiết để trở thành trung tâm khu vực từ năm 2026 đến 2045. Mục tiêu là được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của GFCI vào năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm hàng đầu thế giới vào năm 2045.
Để phát triển đến năm 2025, thành phố đặt ra 4 chương trình hành động: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.