Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Biểu tượng trung tâm tài chính TP.HCM không thể là casino, Disneyland

Chuyên gia cho rằng khi trung tâm tài chính tại TP.HCM còn chưa thành hình thì mong muốn xây dựng cả casino, Disneyland sẽ gây mất cân đối, ảnh hưởng biểu tượng của TP.HCM.

trung tam tai chinh TP.HCM anh 1

TP.HCM được nhà đầu tư Mỹ hứa hẹn rót vốn 6 tỷ USD và một công viên giải trí Disneyland vào dự án trung tâm tài chính quốc tế - theo lời ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Nếu điều này thành sự thực, giấc mơ hơn 20 năm của TP.HCM rất có thể được hiện thực hóa trong tương lai gần.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của IPPG cùng cam kết nêu trên dẫn tới việc có 2 bản dự thảo đề án phát triển trung tâm tài chính - của IPPG và của UBND TP.HCM (với sự tư vấn của Đại học Fulbright Việt Nam). Một trong những khác biệt lớn của 2 đề án là bên cạnh dịch vụ tài chính - ngân hàng, IPPG đề xuất thêm một số ngành nghề kinh doanh như casino, đặt cược thể thao; khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (như Disneyland)…

Xét về tiềm năng, các dịch vụ giải trí nêu trên sẽ giúp TP.HCM thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia lo lắng là trong giai đoạn định hình trung tâm tài chính, nếu không cẩn trọng thì ý tưởng nghe có vẻ hấp dẫn sẽ khiến TP.HCM “chệch hướng” khỏi dự định ban đầu. Nguy cơ là khi nhắc tới trung tâm tài chính TP.HCM, người ta lại nghĩ tới casino hay Disneyland thay vì ngân hàng hay sở giao dịch chứng khoán…

Muốn quá nhiều sẽ mất cân đối

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất hình hài của trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Theo tư duy truyền thống, có 3 cách để hình dung về một trung tâm tài chính. Thứ nhất là tập trung các tòa nhà tài chính như Bitexco; trụ sở của khối ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm quỹ đầu tư như Wall Street. Thứ hai là trung tâm thu hút nhà đầu tư và có dự án lớn có tiềm lực, cam kết lâu dài - Việt Nam dường như đang thiên về định hướng này. Thứ ba là trung tâm giải trí gắn với casino, du lịch… hoặc một trung tâm với tổ hợp của 3 hình thức nêu trên.

Tuy nhiên, TS Lực dự báo rằng các hình thức truyền thống này có thể không còn là xu thế trong tương lai. Bởi lẽ, thế giới tài chính đang thay đổi rất nhanh với nhiều loại hình mới trong giao dịch, tài chính điện tử, tiền kỹ thuật số… Trước tình hình đó, Việt Nam cần làm rõ hướng đi cho mình.

trung tam tai chinh TP.HCM anh 2

Thủ Thiêm được quy hoạch từ lâu để trở thành trung tâm tài chính của TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhìn vào trường hợp của TP.HCM, TS Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, đại biểu HĐND TP.HCM) thẳng thắn cho rằng dự án trung tâm tài chính chưa thành hình mà còn có thêm casino, Disneyland là quá tham lam.

“Muốn nhiều quá sẽ vướng và mất cân đối. Trước hết là ta phải làm hình thái trung tâm tài chính cho đàng hoàng. Disneyland hay casino chưa phải ưu tiên để đột phá lúc này”, ông nhận định.

Disneyland hay casino chưa phải ưu tiên để TP.HCM đột phá lúc này

TS Trần Quang Thắng

Một trong những lo ngại của ông Thắng là quỹ đất ở các khu vực được quy hoạch thành trung tâm tài chính như quận 1, Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) không còn cho các loại hình dịch vụ giải trí. Không phản đối TP.HCM nhưng chuyên gia cho rằng nên phát triển tại các đô tinh vệ tinh xa trung tâm như Củ Chi, Hóc Môn… thay vì đổ dồn về trung tâm - nơi đang phải chịu áp lực hạ tầng và biến đổi khí hậu (như ngập lụt, ô nhiễm) rất lớn.

“Nhiều người nghe casino, Disneyland thì thích, thấy hấp dẫn, khéo thì cũng thu hút nguồn ngân sách rất tốt. Nhưng hệ quả về an ninh, thao túng tiền tệ ăn theo là rất phức tạp. Đặc biệt là dễ ảnh hưởng đến biểu tượng trung tâm tài chính của TP.HCM”, chuyên gia cảnh báo.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hùng Sơn (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng trung tâm tài chính mà chỉ có Disneyland và casino là không mang tính bao trùm để phát triển tổng thể. TP.HCM cần tập trung vào yếu tố mang lại giá trị cho hệ thống tài chính quốc gia và thúc đẩy chuyển đổi số của ngành tài chính, ngân hàng.

“Cần định vị rõ và không để trung tâm tài chính TP.HCM bị hiểu lầm thành casino hay Disneyland bởi các loại hình này không thể cho thành phố giá trị thương hiệu xứng tầm”, ông nói.

Chuyên gia này nhận định trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) mới là định hướng phù hợp cho tầm nhìn của TP.HCM.

TP.HCM cần “đi tắt đón đầu”

Theo PGS.TS Trần Hùng Sơn, nếu đi theo mô hình tài chính truyền thống, tức phát triển thành thị trường truyền thống, TP.HCM sẽ gặp sự cạnh tranh rất lớn với các thị trường lâu đời. Trong khi đó, 10 năm trở lại đây, Fintech đang là mô hình kinh doanh mới được quan tâm phát triển.

Điểm mạnh của TP.HCM là đã có hệ sinh thái Fintech tương đối phát triển. Cụ thể, trong khoảng 190 công ty Fintech tại Việt Nam thì 60% có trụ sở chính ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tiềm năng trở thành trung tâm Fintech của khu vực. Cụ thể, họ đánh giá mức độ phát triển của ngành qua số lượng công ty Fintech và khả năng thu hút vốn quốc tế. Trong năm 2019, tổng quy mô đầu tư vào Fintech ở Đông Nam Á là khoảng 1,4 tỷ USD và Việt Nam xếp thứ 3 trong thu hút vốn. Nhiều công ty đi tiên phong trong lĩnh vực thanh toán được đánh giá cao.

Đáng chú ý, theo báo cáo Global Fintech Hub 2020, ngành Fintech tại TP.HCM được đánh giá ở mức 4/4 sao và xếp hạng 33/40 thành phố mới nổi trên toàn cầu có ngành Fintech phát triển. Đây là cơ sở để thành phố thu hút nguồn vốn quốc tế.

Do đó, TP.HCM cần “đi tắt đón đầu” và phát triển mô hình kinh doanh mới liên quan đến công nghệ tài chính thay vì thị trường tài chính quốc tế truyền thống.

trung tam tai chinh TP.HCM anh 3

Trong 190 công ty Fintech tại Việt Nam thì 60% có trụ sở chính ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong quá trình đó, ông Sơn cho rằng cần đảm bảo 5 yếu tố.

Thứ nhất, thành phố cần hình thành chính sách và khung thể chế, trong đó bao gồm tất cả vấn đề phát triển thị trường tài chính và môi trường kinh doanh mới.

Ngách mà TP.HCM có thể hướng đến là trở thành trung tâm Fintech của khu vực

PGS.TS Trần Hùng Sơn

Thứ 2, lõi của thị trường tài chính này nên là Fintech. Và để thúc đẩy thị trường này, thành phố cần hình thành cộng đồng khởi nghiệp sôi động về Fintech. Ví dụ như hình thành không gian Fintech Hub, tức tòa nhà, khu chức năng, khu phức hợp phục vụ hệ sinh thái này.

Thứ 3, chính quyền cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn, đặc biệt là tiếp cận vốn rủi ro, sẵn sàng đầu tư phát triển thị trường tài chính nói chung và trung tâm Fintech nói riêng.

Thứ 4, để phát triển công nghệ tài chính cần có cam kết hỗ trợ chính trị và xây dựng thương hiệu về trung tâm công nghệ tài chính của TP.HCM (ví dụ như Fintech HCMC).

Thứ 5, thành phố cần phát triển những mô hình kinh doanh mới mà thế giới đã phát triển như ngân hàng số; cấp phép thử nghiệm Fintech trong một số hoạt động.

Chẳng hạn, TP.HCM có thể xem xét hoạt động thử nghiệm liên quan tiền mật mã. Điều này cũng phù hợp với chính sách của Nhà nước bởi mới đây, Thủ tướng đã giao Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu tiền mật mã, phát triển tiền số quốc gia.

“Nếu theo mô hình thị trường tài chính truyền thống, TP.HCM đi sau nên sẽ gặp bất lợi, khó cạnh tranh với các trung tâm đã lâu đời. Do đó, ngách mà TP.HCM có thể hướng đến là trở thành trung tâm Fintech của khu vực”, ông phân tích.

Năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị đã xác định phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính của cả nước và hướng tới khu vực. 10 năm sau, Bộ Chính trị một lần nữa nhắc lại mục tiêu này trong Nghị quyết 16 năm 2012.

Năm 2016, TP.HCM từng nhận đề nghị từ các nhà đầu tư Mỹ về việc rót 4 tỷ USD vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm để biến nơi đây thành trung tâm tài chính mới của Đông Nam Á. Tuy nhiên, sau đó đề xuất này không thành hiện thực.

Cuối tháng 3/2021, UBND TP.HCM lại trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Sau nhiều lần điều chỉnh, đề án dự kiến được hoàn chỉnh và trình cơ quan Trung ương trong tháng 4/2022. Đề án do UBND TP.HCM và Công ty Đầu tư tài chính TP.HCM (HFIC) thực hiện với sự tư vấn của Đại học Fulbright Việt Nam.

Tháng 2/2022, UBND TP.HCM ký kết bản ghi nhớ với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPPG về việc nghiên cứu lập đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. IPPG sẽ tài trợ việc nghiên cứu lập đề án này và cam kết giao sản phẩm sớm hơn 60 ngày so với thời gian ký kết.

Giải pháp nào cho TP.HCM khi đấu giá lại đất Thủ Thiêm?

Các chuyên gia thống nhất 2 giải pháp mà TP.HCM cần làm là thẩm định năng lực người tham gia đấu giá và tăng chế tài xử phạt nhằm hạn chế bỏ cọc.

Thu Hằng

Bình luận

Bạn có thể quan tâm