Tại hội nghị gặp gỡ, nghe kiến nghị của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết trước khi đến đây, sáng 10/6, ông đã gọi điện cho Bộ trưởng Y tế để trao đổi về nguồn cung vaccine.
Ông Nên khẳng định TP đang trong giai đoạn đàm phán với nhà cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vaccine rất khó tiếp cận.
"Nguồn vaccine còn khan hiếm"
Với mục tiêu tiêm ngừa vaccine cho toàn bộ người dân TP.HCM, ông Nên nói trước mắt vẫn phải tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên vì số lượng còn ít. Chính phủ đã mở rộng cơ chế cho doanh nghiệp được tiếp cận vaccine, khi có là triển khai ngay. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ kiểm tra chất lượng và đề ra kế hoạch tiêm.
"Do đó ai có nguồn cứ báo thẳng đến UBND TP, với tinh thần mang vaccine về càng sớm và càng nhiều càng tốt", ông Nên nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng vẫn cần áp dụng ưu tiên đối tượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh số lượng cũng như nguồn cung khan hiếm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tiếp lời Bí thư Nên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đang triển khai kế hoạch mua vaccine trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, với kỳ vọng "thành phố có thể tiêm vaccine toàn bộ người dân trong thời gian sớm nhất".
Theo ông Phong, thành phố xác định vaccine là giải pháp căn cơ và lâu dài để người dân được bảo vệ trước những làn sóng dịch tiếp theo. Chính quyền vừa lập tổ tiêm vaccine riêng, hướng đến mục tiêu tiêm cho mọi người dân thành phố.
"Không để doanh nghiệp nào bị bỏ lại"
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố sẽ dốc hết khả năng tháo gỡ trong thẩm quyền cho phép đối với những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp. Ông cam kết thành phố luôn nỗ lực trở thành chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn thách thức này.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM giao các sở, ngành xác định rõ thời gian hoàn thành nhiệm vụ, tạo điều kiện cho thành phố phát triển trong thời gian sắp tới.
"Chúng ta phải dứt khoát và nói với nhau rằng không để bất kỳ doanh nghiệp nào chịu thiệt thòi vì sự chậm trễ của chính quyền", Chủ tịch UBND TP nói.
TP.HCM nỗ lực tìm nguồn vaccine tin cậy nhằm mục tiêu tiêm ngừa cho tất cả người dân thành phố. Ảnh: Chí Hùng. |
Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tổng hợp ý kiến sở, ngành chuyên môn về vấn đề doanh nghiệp địa phương đang gặp phải. Cơ quan này chịu trách nhiệm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo, hệ thống đề xuất trình HĐND TP tại kỳ họp tiếp theo.
"Việc này cần được triển khai quyết liệt, khẩn trương. Với phương châm 'kịp thời, nhanh chóng', tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp là trên hết. Không chờ đến khi làn sóng dịch thứ 4 này lắng xuống, chúng ta mới vội vàng giải quyết khó khăn", ông Phong nhấn mạnh và cho rằng nỗ lực của sở, ngành thành phố lúc này mới thể hiện sự chia sẻ, thấu hiểu đáng quý nhất.
Người đứng đầu TP.HCM cho biết với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, thành phố cơ bản kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4 nhưng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Kinh tế TP và cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
"Sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự phát triển của doanh nghiệp. Và khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn thành phố không thể đứng ngoài cuộc", Chủ tịch Phong khẳng định.
Theo Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay là 501 ca. Trong đó, thành phố ghi nhận một ca tử vong là BN5463 và một ca nghi nhiễm nCoV ở Gò Vấp tử vong trên đường chuyển viện đêm 7/6.
Đáng chú ý, ngoài các chuỗi lây nhiễm đã xác định, TP.HCM có 27 bệnh nhân mắc Covid-19 phát hiện từ các ca chỉ điểm qua khám sàng lọc tại bệnh viện, đang được điều tra nguồn lây.
Tính đến 18h ngày 9/6, TP.HCM có tổng cộng 323 điểm phong tỏa.
Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.
Bình luận