Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường bất động sản 10 tháng năm 2017 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy 9 tháng, toàn thành phố phát triển được 8,01 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 160,15 triệu m2, bình quân đạt 18,73 m2/người.
Cũng tại báo cáo này, HoREA cho biết TP.HCM có dáng dấp của một siêu đô thị với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư. Để vận hành tốt, TP.HCM cần có một cơ chế đặc thù.
Mất cân đối cả nguồn cung lẫn tín dụng
HoREA cho rằng thị trường BĐS TP.HCM vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng cũng đã bước sang giai đoạn cuối của chu kỳ này. Thị trường cũng đã bắt đầu bộ lộ những khiếm khuyết dẫn đến những nguy cơ trong tương lai.
Theo báo cáo, thị trường nhà ở thương mại của thành phố trong 9 tháng qua đã có 61 dự án nhà ở hình thành với tổng số 28.639 căn. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, trung cấp 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 48,8%, bình dân 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25,2%.
Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường.
Nguồn cung và tín dụng cho căn hộ đang trở nên mất cân đối ở TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định đó là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ). Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ bình dân vẫn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 25,5% là chưa đáp ứng được nhu cầu lớn.
Báo cáo nhận định thị trường căn hộ khách sạn, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng đang có sự phát triển rất mạnh, nhiều trong thời gian qua, có dấu hiệu cung vượt cầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp.
Cũng theo báo cáo của HoREA, cơn sốt giá ảo đất nền phân lô trong những tháng đầu năm 2017 tại một số quận ven và huyện ngoại thành đã được hạ nhiệt kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Về tình hình chuyển nhượng, trong 9 tháng đầu năm 2017, 29 dự án được mua bán, chuyển nhượng. Trong số này có 11 dự án phải hoàn thiện thêm các thành phần hồ sơ theo quy định. 11 dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận cho chuyển nhượng.
Nhìn toàn cục, HoREA cho hay, thị trường bất động sản 9 tháng vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, giữ được sự phát triển tương đối ổn định, nhưng trong trạng thái chững lại.
Mặt khác, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời với việc gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.
Về dự báo có, hay không có bong bóng BĐS trong 2 tháng cuối năm 2017 đến Tết Mậu Tuất và năm 2018, thì Hiệp hội nhận thấy khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước.
Muốn phát triển siêu đô thị cần có cơ chế đặc thù
TP.HCM đã đóng góp đến 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách, và trong nhiều năm cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI cao nhất của cả nước; khối lượng công việc hành chính cũng lớn nhất nước.
Ví dụ, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã cấp 414.073 sổ đỏ, 38.242 Giấy phép xây dựng, gấp hàng chục lần so với các tỉnh. TP.HCM đang có một dáng dấp của siêu đô thị nên cần phải có cơ chế đặc thù để phát triển.
Theo HoREA, TP.HCM đang có dáng dấp của siêu đô thị. Ảnh: Lê Quân. |
Do vậy, HoREA nhất trí với đề xuất cần có cơ chế đặc thù cho TP.HCM nhằm mục tiêu xây dựng thành phố sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống tốt, với hai nội dung chính.
Thứ nhất là nghiên cứu áp dụng mô hình chính quyền đô thị để phù hợp với tình hình đặc thù của thành phố.
Thứ hai là đề nghị Trung ương phân cấp, ủy quyền cho thành phố giải quyết một số vấn đề lớn như được chủ động trong sắp xếp bộ máy hành chính, vị trí cán bộ nhân viên hành chính, khoán biên chế, khoán quỹ lương, chính sách tiền lương để thu hút nhân tài.
Ngoài ra, TP.HCM sẽ được quyết định lựa chọn chủ đầu tư các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên, hoặc dự án có từ 2.500 căn nhà trở lên, hoặc dự án đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng (Hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ).
Thành phố cũng được quyết định lựa chọn nhà thầu các dự án có sử dụng đất theo điều 26 Luật Đấu thầu, được tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình nhà cao tầng, được phân cấp cho thành phố (Sở Cảnh sát PCCC) phê duyệt các công trình PCCC nhà cao tầng, (Bộ Tư lệnh thành phố) phê duyệt cao độ tĩnh không nhà cao tầng...