Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM đã sẵn sàng tiếp nhận người cai nghiện

TP.HCM - nơi tình hình an ninh trật tự bị “thử thách” nhiều nhất bởi những người nghiện không nơi cư trú đã sẵn sàng để thực hiện tốt việc quản lý người nghiện theo nghị quyết.

Ngày 10/11, Quốc hội đã chấp thuận việc tập trung người nghiện không có nơi cư trú đi chữa bệnh bắt buộc.

Hai trung tâm tiếp nhận những người nghiện ma túy để cắt cơn, giải độc tạm thời ở TP.HCM và 10 trung tâm cai nghiện bắt buộc của TP đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận người nghiện.

Các trung tâm tập trung sửa chữa hạ tầng, củng cố bộ máy nhân sự; phía tòa án cũng đã sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Gấp rút hoàn thiện 2 trung tâm tiếp nhận

Chiều 10/11, chúng tôi ghé Trung tâm giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm Nhị Xuân (H.Hóc Môn), việc chuẩn bị tiếp nhận đối tượng cắt cơn đã cơ bản hoàn tất.

Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (TP.HCM) khẩn trương sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất để tiếp nhận người nghiện không nơi cư trú.

Ông Trần Hữu Thám, phó giám đốc trung tâm cho biết: “Chúng tôi đang nhanh chóng củng cố nhân sự gồm đội ngũ cán bộ quản lý, y bác sĩ, bộ máy liên quan... và xây dựng các phương án tiếp nhận đối tượng cai nghiện cho phù hợp”.

Trước đây, thời gian cao điểm trung tâm này tiếp nhận đến 2.700 học viên nên nếu số lượng đông thì trung tâm vẫn xử lý tốt, theo ông Thám. Trung tâm cũng chuẩn bị hai phòng làm việc cho cơ quan chức năng và tòa án.

Trung tâm Nhị Xuân dự kiến dành ra 3 đội, mỗi đội diện tích bình quân 3.000 m2 gồm các phòng ở, sinh hoạt, giải trí... cho học viên cắt cơn.

Ông Nguyễn Hữu Quyền, đội trưởng đội quản lý học viên số 2, một trong 3 đội sẽ chuyển qua tiếp nhận học viên cắt cơn, nhìn nhận: việc quản lý các học viên cai nghiện hai năm ở đây dĩ nhiên có nhiều khác biệt so với tiếp nhận người đến cắt cơn chỉ mười mấy ngày.

“Cắt cơn là khâu đầu tiên của quá trình cai nghiện lâu dài, học viên sẽ có sự thay đổi tâm lý, môi trường sống nên việc quản lý họ cũng khó khăn hơn” ông nói.

Nhân sự y tế hiện nay của trung tâm là 21 người, trong đó có 4 bác sĩ.

Bác sĩ Hán Thị Hồng Tuyến, trưởng phòng y tế của trung tâm, cho biết: “Bộ phận y tế của trung tâm đáp ứng tốt nhu cầu cắt cơn, cai nghiện, có các phòng cấp cứu, phòng chuyên môn, phòng nha, phòng mátxa... Trường hợp quá tải, chúng tôi sẽ đề xuất tăng cường nhân lực”.

Tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, việc sửa chữa, chỉnh trang phòng ốc cũng đang diễn ra khẩn trương.

Trọng tâm của việc sửa chữa này là tân trang dãy phòng chức năng, dành riêng một số phòng mới cho đại diện các ban ngành như tòa án, viện kiểm sát, tư pháp, công an... đến làm việc. Tại đây có thể cùng lúc tiếp nhận được 400-500 người.

Ông Lê Bá Hoàng, quyền giám đốc Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu, cho biết: “Áp lực chắc chắn sẽ có do các đối tượng thời gian qua được sống tự do, nay bị đưa vào đây sẽ có thái độ chống đối, thách thức, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị cho những khó khăn này”.

Hơn 30.000 chỗ đã xong

Ông Trần Trung Dũng, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết cơ sở vật chất để quản lý, giúp đỡ, đào tạo, chăm lo cho người nghiện TP gồm có 14 trung tâm (10 trung tâm chữa bệnh bắt buộc và 4 trung tâm khác) được xây dựng tại một số tỉnh thành lân cận với sức chứa khoảng 33.000 người.

Theo đề án, khi phát hiện người nghiện (trong diện đưa đi chữa bệnh bắt buộc), công an lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm, thực hiện khám chữa bệnh, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý.

Trong quá trình này, công an, viện kiểm sát, tòa án, lao động tiến hành thẩm tra hồ sơ theo quy định, nếu đủ điều kiện sẽ đưa ra tòa án xem xét.

Khi tòa án ra quyết định đưa đi cai bắt buộc, các trung tâm Nhị Xuân, Bình Triệu có nhiệm vụ trung chuyển đến các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Dự kiến, khi hồ sơ từ phường xã đưa lên, trong vòng 10-15 ngày sẽ hoàn tất.

Nguồn: Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM.

Cùng với việc gấp rút hoàn thiện hai trung tâm tiếp nhận, hệ thống cai nghiện bắt buộc của TP trước đây có khả năng tiếp nhận điều trị cho khoảng 31.000-32.000 người đã được khởi động lại.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết khối cai nghiện của sở hiện có khoảng 800 cán bộ, y bác sĩ kinh nghiệm dày dạn, đảm bảo được yêu cầu của đề án.

Các cơ sở có khả năng tiếp nhận 9.000 người do Thanh niên xung phong quản lý cũng đang chờ vận hành.

Tòa án cũng sẵn sàng

Bà Ung Thị Xuân Hương, chánh án TAND TP.HCM, cho biết tòa án đã tổ chức tập huấn cho các tòa quận huyện về việc xem xét hồ sơ và ra các quyết định hành chính theo quy định.

Hiện tại TAND TP.HCM giao cho tòa hành chính theo dõi các vụ việc và nếu các đương sự có khiếu nại thì TAND TP sẽ giao cho các thẩm phán giải quyết. Các phiên xét xử được thực hiện tại trung tâm, giống như một phiên tòa lưu động rút gọn.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an TP.HCM lý giải về việc bố trí thêm phòng làm việc cho ngành công an, tư pháp tại trung tâm là để thuận tiện cho cách làm việc.

Ông nói trung tâm chỉ là nơi tập trung và chỉ lưu giữ người nghiện trong thời gian lập hồ sơ và chờ phán quyết của tòa.

Nếu tòa ra phán quyết cai nghiện bắt buộc, trung tâm sẽ chuyển người nghiện về các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu tòa tuyên vô tội thì bắt buộc phải đưa người nghiện ra khỏi trung tâm.

Chỉ tập trung người nghiện không có nơi cư trú

Người nghiện ma túy được các trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tiếp nhận lần này, theo nội dung trong nghị quyết của Quốc hội, là người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Có 286 đại biểu cho ý kiến về việc đưa vấn đề cai nghiện ma túy vào nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 được Quốc hội thông qua chiều 10/11. Trong đó 280 đại biểu tán thành và 6 đại biểu không tán thành.

Nội dung nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tạm thời giao cho các trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội (của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định với mục đích là quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện trong thời gian lập hồ sơ để tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Trong thời gian này, phải bảo đảm an toàn cho đối tượng theo quy định của pháp luật”, nghị quyết nêu.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Ban hành đầy đủ và kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung nghị định, thông tư liên quan, xem xét rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Nói thêm về sự chuẩn bị của TP.HCM để thực hiện việc cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết TP.HCM đã sẵn sàng về chỗ ăn, chỗ ở, cơ sở y tế để điều trị.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND TP.HCM, kinh phí dự kiến để cắt cơn, giải độc cho một người nghiện là 4 triệu đồng (trong khoảng thời gian dự kiến 10-15 ngày).

“Đây là một áp lực rất lớn của TP.HCM, nhưng phải làm cho bằng được. Vì giải quyết được vấn đề ma túy sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội” - bà Tâm nói.

Viễn Sự

Đắk Nông: chờ đón học viên

Chiều 10/11, tại Trường Giáo dục - đào tạo việc làm số 1 (trực thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM) ở xã Đắk R’tit, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông Châu Luận Quang, phó giám đốc Trường Giáo dục - đào tạo việc làm số 1, cho biết diện tích của trường khoảng 500ha. Trong đó, cơ sở 1 ở xã Đắk R’tit và hai cơ sở khác ở xã Quảng Tân (huyện Tuy Đức) và xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp).

“Quy mô hiện nay của trường có thể tiếp nhận khoảng 5.000 học viên. Hiện trường có 157 cán bộ, viên chức, ông Quang nói.

Lúc này đang trong giờ học tập, làm việc nên tại lớp may công nghiệp 20 nam học viên được giáo viên hướng dẫn thực hành.

Kế bên đó là lớp học văn hóa, 30 học viên đang theo học trình độ lớp 6. Ở xưởng thực hành công nghiệp rộng khoảng 1.000m², khoảng 600 học viên đang bóc tách hạt điều, học nghề thủ công mỹ nghệ. Tổng số học viên cai nghiện ma túy ở trường là 821.

Về phương án quản lý người cai nghiện mới của TP.HCM, ông Quang cho biết: “Trường đã tiếp nhận thông tin và đang khảo sát cơ sở vật chất, dự toán những hạng mục đã xuống cấp để lên kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, trường cũng rà soát bộ máy tổ chức, xây dựng phương án tuyển thêm giáo viên để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận học viên”.

Tại trường này, các tổ quản lý người cai nghiện được sắp xếp theo chuyên môn theo hướng người sau cai nghiện ở riêng, học viên nhiễm bệnh HIV/AIDS đang điều trị ARV ở riêng, học viên học văn hóa cấp II trở lên ở riêng và học viên lao động nông nghiệp ở riêng.

Trường cũng tổ chức dạy văn hóa, xóa mù chữ, dạy nghề may công nghiệp, sửa xe máy, điện gia dụng cho các học viên. Bên cạnh đó, học viên của trường cũng tăng gia sản xuất như chế biến hạt điều, trồng rau xanh, chăn nuôi heo, cá...

Hà Linh

 

Bình Phước: thừa sức nhận gần chục ngàn người

Tại Bình Phước có 5 trung tâm giáo dục lao động xã hội (Phú Văn, Đức Hạnh, Bình Đức, Phú Nghĩa và Phú Đức) thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đặt tại đây với quy mô khá lớn. Mỗi trung tâm có sức chứa 1.000 -1.500 học viên.

Hiện số lượng học viên mỗi trung tâm chỉ khoảng 400-600 người nên thừa sức tiếp nhận gấp 2-3 lần.

Tại trung tâm Phú Văn (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) có quy mô lên tới 365ha, do lượng học viên không còn nhiều nên từ năm 2008, trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Ba Huân triển khai dự án liên kết chăn nuôi gà với quy mô 60.000 con để tận dụng cơ sở vật chất chưa sử dụng hết.

Hiện các trung tâm đang chuẩn bị sửa chữa, nâng cấp và tuyển thêm nhân sự để tiếp nhận học viên cai nghiện.

Bá Sơn

Sự cố và thách thức với bộ trưởng

Trong khi nghị trường đang sôi động bàn bạc về trách nhiệm của bộ trưởng thì dân chúng có ngay 3 "sự cố" để so sánh.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141111/tphcm-da-san-sang-tiep-nhan-nguoi-cai-nghien/669984.html

Theo V.Thủy-H.Điệp-B.Châu-Y.Trinh/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm