Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM đã phủ gần 100% vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi

Chiều 21/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp báo định kỳ với sự tham dự của đại diện một số sở, ngành.

  • Trả lại công năng cho nhiều bệnh viện
  • Đã tiêm vét gần hết mũi 1 cho người dân TP.HCM.
  • Công an TP phát hiện hàng trăm lượt nghi nhiễm khi qua chốt kiểm soát.
  • Ba giai đoạn để cán bộ, công chức trở lại trụ sở làm việc.
  • Số mũi tiêm mới vẫn thấp.

Giảm bệnh viện dã chiến, trả lại công năng nhiều cơ sở

Về tình trạng một số địa phương vẫn gom F0 vào khu cách ly tập trung, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết lãnh đạo Sở đã ghi nhận và liên tục chấn chỉnh. Sở liên tục nhắc nhở ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại các quận/huyện về vấn đề này.

"Có thể một số nơi hiểu nhầm về việc gom tất cả F0 vào khu cách ly tập trung. Chủ trương là F0 đủ điều kiện có thể cách ly tại nhà", ông Châu khẳng định.

Phó giám đốc Sở Y tế cho biết trong 2 chiến lược điều trị sắp tới, TP.HCM tập trung đẩy mạnh chăm sóc F0 tại cộng đồng và củng cố hệ thống điều trị.

Nói rõ hơn việc gom F0 như một số nơi phản ánh, ông Châu cho rằng có thể có sự hiểu nhầm trong thực thi để tránh lây lan nên tiếp tục đưa F0 vào khu cách ly tập trung.

"Cách ly những hộ đã dương tính nếu nhà đó đủ điều kiện. Tuy nhiên, một số gia đình nhà cửa chật chội hoặc thuộc nhóm cần theo dõi thì phải đưa vào cơ sở cách ly tập trung", ông Châu nói.

Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết TP đang có kế hoạch giảm dần khu cách ly tập trung. Chủ trương thời gian tới là điều trị, cách ly bệnh nhân tại nhà và một số khu cách ly tập trung tại trường đại học, ký túc xá... thì TP.HCM sẽ có lộ trình giảm số lượng khu cách ly tập trung này, trả lại công năng ban đầu.

Trong lộ trình sau ngày 30/9, TP.HCM dần chuyển đổi lại các bệnh viện. Ưu tiên là bệnh viện đa khoa quận, huyện trở về công năng ban đầu để phục vụ cho người dân trên địa bàn điều trị bệnh lý ngoài Covid-19. Trước mắt, từ nay tới 30/9, bệnh viện đa khoa của quận 7, Củ Chi và Cần giờ được chuyển đổi công năng trở về điều trị bệnh nhân không phải Covid-19.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế này vẫn phải đảm bảo một khu vực khoảng 10-20 giường, có bình oxy để nếu bệnh nhân Covid-19 nặng thì có thể kịp thời sơ cứu rồi chuyển đến cơ sở điều trị Covid-19.

Tiêm vét gần hết mũi 1 cho người dân

Tại họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc nếu từ nay đến 30/9, TP.HCM không có đủ vaccine để tiêm cho người dân như kế hoạch thì ảnh hưởng gì tới việc cấp thẻ xanh, trở lại bình thường mới sau 30/9.

Trả lời, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông đang tính toán để có phương án hợp tình, hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

“Việc tiêm vaccine và chứng nhận F0 đã hoàn thành cách ly rất quan trọng”, ông Tâm nói.

Về việc tiêm vaccine, hiện TP.HCM tích cực tiếp nhận vaccine của Bộ Y tế phân bổ, nhanh chóng đưa về địa phương để đảm bảo tiêm sớm nhất, tiêm nhanh nhất và tiêm hết lượng vaccine đã được phân bổ.

Hiện, tỷ lệ tiêm vaccine của đợt 2 khá tích cực. TP.HCM đã đạt trên 93% tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết tỷ lệ tiêm vaccine hiện nay thì mẫu số được tính dựa trên thống kê dân số mà thành phố thu thập ngày 30/6, tức khi nhiều người dân chưa rời TP.HCM. Thêm vào đó, từ 30/6 đến nay, nhiều người đã trở thành F0 và một số trường hợp chống chỉ định vaccine nên chưa tiêm.

“Như vậy, tổng dân số trên 18 tuổi là 7,2 triệu thực tế không chính xác. Do đó, có thể nói số liệu tiêm vaccine đã rất cao, rất gần 100%. Nhưng do sự phức tạp trong xác định dân số thực trên địa bàn từng quận, huyện nên tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao. Nhưng theo thực tế thì các quận, huyện đã vét gần hết”, ông Tâm nói.

Phó giám đốc HCDC cho biết từ nay đến 30/9, việc tiêm vaccine cũng rất thuận lợi.

“Nguồn vaccine đang sẵn sàng để tiêm”, ông Tâm khẳng định.

Điều tra, xử lý trường hợp bán thuốc Molnupiravir trái phép

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP có bệnh viện chuyên khoa giải quyết tâm lý cho các bệnh nhân là. Thời gian qua, nếu bệnh nhân Covid-19 có vấn đề tâm thần thì được hội chẩn với bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần để điều trị.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng.

Đến nay, bệnh viện này đã liên hệ với hơn 70 cơ sở có bệnh nhân Covid-19 có vấn đề về tâm thần. Các bác sĩ đã tới tận nơi, theo dõi, điều trị và cấp thuốc.

Về gói thuốc C, ông Châu cho biết thuốc Molnupiravir (trong gói thuốc C) được sử dụng dưới sự kiểm soát đặc biệt của ngành y. Người sử dụng thuốc phải ký vào văn bản đồng ý sử dụng và cơ sở y tế địa phương theo dõi rất chặt.

Tại một số địa bàn trọng điểm, nhóm chuyên gia của Đại học Y dược TP.HCM theo dõi kỹ hơn, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 7 để đánh giá. Gói thuốc C dùng tại nhà hay bệnh viện dã chiến đều phải được quản lý chặt chẽ. Nếu thuốc còn dư sẽ phải trả về Sở Y tế để quản lý.

Thời gian qua, khi triển khai cấp gói thuốc A, B, C để điều trị F0, Sở đã thành lập 8 đoàn kiểm tra để kiểm tra việc phát 3 gói thuốc này. Mới đây, có thông tin về việc bán gói thuốc C, Sở Y tế đã ban hành văn bản để nhắc lại vấn đề sử dụng và quản lý gói thuốc C.

Thanh tra Sở Y tế cùng Công an TP.HCM đang tìm hiểu, điều tra và xử lý vi phạm nếu có xảy ra.

Xác minh lại số F0 được phát hiện qua app VN-eID

Về các trường hợp F0 được phát hiện qua ứng dụng VN-eID, thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết theo thống kê từ 29/8 đến 20/9, Công an TP phát hiện 607 lượt nghi nhiễm qua các chốt kiểm soát. Trong đó, 406 lượt đi qua nhiều chốt nên thông tin bị trùng lặp.

Trên cơ sở đó, Công an TP.HCM đã xác minh được 199 trường hợp (trong đó có 112 trường hợp là F0; 78 trường hợp được cách ly; 34 trường hợp cách ly tập trung; 52 trường hợp sau khi xác minh không phải là F0; 32 trường hợp là F0 đã khỏi bệnh). Còn 2 trường hợp đang tiếp tục xác minh.

Công an TP phát hiện 69 trường hợp được cấp giấy đi đường. Sau khi xác định người lưu thông là F0, Công an TP.HCM đã chỉ đạo thu hồi 11 giấy đi đường. Trong số đó có 31 trường hợp không thuộc diện phải thu hồi; 14 trường hợp chưa thu hồi được.

Cán bộ, công chức chưa làm việc trực tiếp đủ 100% cho tới đầu 2022

Về việc bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở trong thời gian tới, đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết thành phố đổi mới phương thức làm việc theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1, cán bộ đã tiêm 2 mũi vaccine được bố trí làm việc trực tiếp. Những người còn lại làm việc tại nhà. Việc bố trí làm việc tại cơ quan, đơn vị phải đảm bảo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch mà Bộ Y tế ban hành.

Các cơ quan được bố trí không quá 1/3 cán bộ, công chức làm việc trực tiếp. Trường hợp cơ quan có bố trí nhiều hơn do tính đặc thù phải được sự đồng ý của UBND TP.

Về nội dung thực hiện thủ tục hành chính, chủ yếu các cơ quan giải quyết hồ sơ ở mức độ 4.

Giai đoạn 2, tiếp tục bố trí cán bộ đã tiêm đủ 2 liều vaccine làm việc trực tiếp. Thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 3-4; việc trả kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công để giảm việc tiếp xúc trực tiếp. Số lượng được bố trí không quá 1/2 tổng số cán bộ.

Giai đoạn 3, từ 1/11-15/1/2022, việc bố trí cán bộ làm việc trực tiếp sẽ không quá 2/3 tổng số lượng cán bộ. Sau 15/1/2022, dự kiến, thành phố cho phép bố trí toàn bộ cán bộ đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Những trường hợp không được bố trí làm việc tại cơ quan có thể làm việc trực tuyến ở nhà.

Trả lời thắc mắc về F0 đã khỏi bệnh có được bố trí làm việc hay không, ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho từ nay đến hết 30/9, thành phố chủ yếu bố trí cho cán bộ công chức tiêm đủ 2 liều vaccine. Tuy nhiên không phải rất cả cán bộ được tiêm 2 liều vaccine được bố trí làm việc tại trụ sở mà sẽ theo các giai đoạn.

“Sẽ có trường hợp được tiêm 2 liều nhưng làm việc tại nhà. Ở các lộ trình tiếp theo được bố trí 1/2 hoặc 2/3. Đối với F0 đã khỏi bệnh, được cấp thẻ xanh thì được bố trí. Lưu ý là người đã tiêm 2 liều vaccine nhưng vẫn xét nghiệm định kỳ, có kết quả âm tính mới được bố trí làm việc”, ông Lâm Hùng Tấn nói.

Tăng thêm hơn 100.000 mũi tiêm

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết trong ngày 20/9, TP.HCM có 3.566 bệnh nhân nhập viện và 2.725 bệnh nhân xuất viện, 182 trường hợp tử vong.

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 20/9 là 8.876.463 (tăng 102.593 mũi vaccine so với ngày 19/9). Trong đó, tổng số mũi 1 là 6.775.637, mũi 2 là 2.100.826, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.039.665.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Ông Phạm Đức Hải, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng.

TP.HCM tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 0h ngày 16/9 đến hết 30/9, nới lỏng một số hoạt động.

Shipper được chạy liên quận/huyện/TP từ 6h đến 21h hàng ngày. Bên cạnh đó, lực lượng giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được hoạt động nội quận/huyện/TP.

TP.HCM tiếp tục mở rộng một số loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký) được hoạt động từ 6h đến 21h. Điều kiện hoạt động của nhóm này là người lao động tại nơi làm việc phải tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần.

Riêng các địa bàn đã kiểm soát được dịch gồm quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên các quận, huyện này và khu công nghệ cao sẽ được thí điểm cơ chế riêng. Người dân khu vực này được đi chợ một lần/tuần. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.


Người dân TP.HCM nhận nhu yếu phẩm từ Tuyên Quang

Những bao gạo, gói rau củ là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đến tay người dân TP.HCM thông qua khâu vận chuyển của quân đội.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm