Bạn đọc trải nghiệp sách nói tại không gian Tuần lễ Sách và Chuyển đổi Số, sáng ngày 25/10 tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: P.K. |
Sáng 25/10, tại Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1), Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số năm 2024 chính thức khai mạc. Chương trình sẽ kéo dài đến ngày 31/10 với nhiều hoạt động chào mừng 72 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số năm nay có 24 đơn vị tham gia, với hơn 30 chương trình, hoạt động giao lưu.
Độc giả đến Đường sách trong dịp này sẽ được trải nghiệm hơn 3.000 tựa sách điện tử, sách nói cũng như những hình thức tiếp cận sách mới, có cơ hội nhận quà tặng, khuyến mãi khi mua sách. Ban tổ chức kỳ vọng trải nghiệm công nghệ về sách gắn với chuyển đổi số sẽ mang đến cách nhìn sâu sắc hơn về chuyển đổi số trong xuất bản, thúc đẩy đưa công nghệ vào trong hoạt động này.
Đặc biệt, Tuần lễ Sách và Chuyển đổi số năm nay, Sở TTTT giới thiệu đến người dân không gian triển lãm trực tuyến với 498 tư liệu mang đến sự trải nghiệm mới mẻ, ý nghĩa.
Trong tọa đàm về chuyển đổi số sau lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên nêu ra 4 bài toán mà ngành xuất bản cần giải quyết trong việc công cuộc chuyển đổi số nói chung và ứng dụng AI nói riêng.
Giám đốc Sở TTTT TP.HCM Lâm Đình Thắng (ảnh trái) và Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu tại lễ Khai mạc. Ảnh: BTC. |
Trước nhất, các đơn vị trong ngành cần vượt qua nỗi sợ hãi. Ông Nguyên nhận định nhiều đơn vị có tâm lý chờ đợi đi sau để học hỏi kinh nghiệm, tránh được sai sót. Nhưng ông nhấn mạnh rằng chuyển đổi số đòi hỏi nhiều trải nghiệm, do đó doanh nghiệp phải đi đầu.
Tiếp theo đó, đơn vị xuất bản phải kết hợp với các công ty công nghệ; không thể độc lập giải bài toán chuyển đổi số, mà cần phối hợp để đạt hiệu quả tối ưu. Nhân lực được Cục trưởng gọi là "bài toán của mọi bài toán", là mấu chốt để đơn vị xuất bản bắt kịp và ứng dụng được công nghệ mới trong hoạt động.
Về vấn đề bảo vệ bản quyền vốn được xuất bản thế giới quan tâm trước sự trỗi dậy của AI, ông Nguyên khẳng định việc doanh nghiệp AI tuân thủ các quy tắc, luật lệ về bản quyền sẽ là động lực để AI và xuất bản tiếp tục làm động lực cho sự phát triển của nhau.
Thiết kế 3 đường sách, không gian sách mới
Tại lễ khai mạc, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM chính thức công bố thiết kế 3 đường sách, không gian sách chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Đường sách Nguyễn Đổng Chi, Không gian sách quận Bình Tân và Không gian sách huyện Củ Chi.
Đường sách Nguyễn Đổng Chi có tổng diện tích 6.315 m2, tọa lạc tại đường Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7. Thiết kế đường sách cảm hứng từ “Làng văn hóa Nam Bộ” cùng biểu tượng sách trong thời đại chuyển đổi số.
Cổng chào đường sách mang hình tượng “Cuốn sách mở ra tri thức” cùng với các không gian như: kiot sách và vật phẩm văn hoá; kiot cafe sách; phố đi bộ; không gian hỗ trợ khởi nghiệp chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thư viện thông minh; gian hàng sản phẩm phát triển du lịch và khu vui chơi trẻ em.
Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 4/2025, Đường sách Nguyễn Đổng Chi hứa hẹn trở thành không gian tri thức mới tại cửa ngõ phía Nam Thành phố, phục vụ nhu cầu thưởng lãm văn hóa cho người dân và góp phần phát triển văn hoá đọc, quảng bá văn hoá - du lịch cho Thành phố.
Nằm tại “toạ độ” phía Tây trong hệ thống không gian sách của Thành phố, Không gian sách quận Bình Tân được xây dựng trong khuôn viên rộng 1.800m2 tại Công viên cây xanh, Đường số 19, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.
Dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 4/2025 với 18 gian: 10 gian hàng sách, 2 gian hàng văn hóa phẩm, 3 gian hàng phát triển du lịch, 2 gian cà phê sách, 1 sân chơi thiếu nhi và 1 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số.
Không gian sách huyện Củ Chi được đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Củ Chi có địa chỉ tại số 1 Tỉnh lộ 8, Khu phố 1, thị Trấn Củ Chi, huyện Củ Chi với diện tích 794 m2.
Bên cạnh tạo không gian cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc, đây còn là nơi diễn ra các hoạt đông cộng đồng. Thiết kế hiện nay gồm khu checkin; không gian trưng bày, giới thiệu sách biểu diễn nghệ thuật; kiot nhà sách; kiot cafe sách; khu vui chơi thiếu nhi; khu sân chơi và khu đọc sách.
Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động trưng bày sách, vật phẩm, văn hóa, ẩm thực, đặc sản địa phương, vùng miền, quà lưu niệm… và các sự kiện, lễ hội văn hoá, nghệ thuật gắn liền với phát triển du lịch của vùng đất mang nhiều câu chuyện lịch sử của TP.HCM.
Không gian sách huyện Củ Chi dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2025, tạo thành điểm nhấn về văn hóa của người dân huyện Củ Chi và là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các “tọa độ” đọc sách mới sẽ cùng Đường sách TP.HCM và Đường sách TP Thủ Đức tạo thành “hệ sinh thái” đặc trưng, cho hoạt động văn hóa - du lịch, xuất bản và phát triển văn hóa đọc của Thành phố.
Dự kiến bộ nhận diện hệ thống đường sách, không gian sách chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) cũng được Sở Thông tin và Truyền thông công bố trong tháng 11 tới.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.