Liên quan việc xem xét đề nghị của UBND TP.HCM về việc thí điểm xe buýt điện, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra 2 nội dung.
Trong đó, chủ trương thí điểm xe buýt điện tại TP.HCM không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Vì vậy, UBND TP.HCM có thể tham khảo đơn giá đang áp dụng cho buýt điện thí điểm tại Hà Nội, để triển khai các tuyến xe tương tự trên địa bàn.
Đồng thời, UBND TP.HCM đóng vai trò chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá trước khi thí điểm.
Hồi tháng 9/2020, TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng về việc mở 5 tuyến buýt điện trên địa bàn.
Buýt điện 12 chỗ đã được áp dụng tại TP.HCM. Ảnh: CTV. |
Dự kiến có 77 xe buýt điện với sức chứa 50-70 hành khách mỗi chuyến (giá 6,5 tỷ đồng/chiếc) chạy trên 5 tuyến được thí điểm trong một năm. Giá vé đề xuất là 3.000-7.000 đồng.
5 tuyến buýt điện sẽ có điểm đầu - cuối tại các bến xe buýt hiện hữu như bến xe buýt Sài Gòn, bãi hậu cần số 1, sân bay Tân Sơn Nhất, bến xe buýt KTX khu B Đại học Quốc gia, Bến xe Miền Đông mới.
Đại diện Sở GTVT nhận định việc mở các tuyến buýt phù hợp với chủ trương phát triển vận tải công cộng, giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng phương tiện sử dụng năng lượng sạch và nâng cao chất lượng phục vụ.
Đặc biệt, lộ trình các tuyến này đi qua những nơi chưa có xe buýt và kết nối nhiều khu dân cư mới như khu đô thị Vinhome Grand Park, khu dân cư Phước Thiện, khu dân cư Khang Điền, khu công nghệ cao, Đại học FPT, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân... nên không ảnh hưởng các tuyến buýt hiện hữu.
Lộ trình 5 tuyến buýt điện dự kiến:
VB01 (Vinhome Grand Park - Trung tâm thuơng mại Emart, dài 27 km);
VB02 (Vinhome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất, 30 km);
VB03 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn, 29 km);
VB04 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, 8,5 km);
VB05 (Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia, 10 km).