"Với tốc độ tăng dân số hiện nay, đến năm 2025, dân số TP.HCM dự báo sẽ tăng lên 15 triệu. Khi đó, ước tính lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ lên đến 13.000 tấn/ngày thay vì 9.000 tấn/ngày như hiện nay”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra cảnh báo tại Hội nghị “Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và Giái pháp” chiều 3/12.
Theo quy định hiện hành của TP, giá tối đa dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng ngân sách Nhà nước từ năm 2022 trở đi là 475 đồng/kg. Tức là, với 13.000 tấn rác, TP.HCM có thể mất tối đa hơn 6,1 tỷ đồng/ngày để xử lý rác vào năm 2025, tương đương trên 2.200 tỷ/năm.
Hiện tại, toàn thành phố chỉ có 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh) quy mô 614 ha và Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi) quy mô 687 ha.
Ông Phong cho rằng các công nghệ chôn lấp rác và tái chế được áp dụng từ 15 năm trước tại TP.HCM đến nay đã không còn phù hợp. Trước thực tế này, Chủ tịch cho biết TP đang mời gọi nhà đầu tư để ứng dụng công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng. Sở TNMT đang tiến hành thủ tục thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, hướng tới năm 2020 chôn lấp 50% rác và đốt 50% còn lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP cần cải tiến công nghệ xử lý rác. Ảnh: Quang Huy. |
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) Nguyễn Toàn Thắng, đã trình bày dự thảo Chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập (LLTGRDL) chuyển đổi hoạt động theo mô hình hoạt động Hợp tác xã (HTX) và Doanh nghiệp thu gom rác trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2019-2021.
Nhằm hỗ trợ LLTGRDL chuyển đổi phương tiện thu gom đạt chuẩn, TP.HCM đã giao Quỹ Bảo vệ môi trường cho vay vốn để hỗ trợ 70% giá phương tiện cho người thu gom. Bắt đầu tiến hành từ năm 2018 nhưng hiện mới chỉ có 91 phương tiện/1.745 phương tiện có nhu cầu chuyển đổi, chiếm tỷ lệ 5,2%. Thêm vào đó, hiện quỹ này đang hết vốn cho vay và phải chờ bổ sung vốn từ Sở Tài chính.
Người thu gom rác dân lập gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi phương tiện thu gom rác tự chế. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lý giải thực trạng này, bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX Vệ sinh Môi trường quận Thủ Đức, chỉ ra vấn đề về sự phân biệt khi người có hộ khẩu TP.HCM được ưu tiên vay vốn hơn người ngoại tỉnh. “Đa số LLTGRDL đều là người có hộ khẩu tỉnh. Phân biệt như thế rất khó khăn cho chúng tôi”, bà Hoa cho hay.
Trong dự thảo chính sách mới, bên cạnh các hỗ trợ cho hợp tác xã, doanh nghiệp, Sở TNMT cũng đề xuất giảm 50% học phí cho con của người thu gom rác đang học tại trường công lập trên địa bàn TP. Cùng với đó là các ưu đãi như: Hỗ trợ lệ phí đăng ký HTX; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ 3 bộ đồng phục/năm...
Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cho Sở TNMT và các đơn vị liên quan hoàn thành dự thảo đề án và trình UBND TP trước ngày 15/12/2019.