TP.HCM hiện có hơn 10 triệu dân, nhưng có đến 9 triệu phương tiện cá nhân (hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ôtô). Lượng phương tiện ngày càng tăng, diện tích thành phố không thay đổi, người dân thì vẫn “đỏ mắt” tìm nơi gửi xe, nhất là ở khu trung tâm.
“Mặt đất hầu như không còn chỗ làm bãi đậu xe. Do đó phải nghĩ đến việc khai thác các tầng không gian khác cho nhu cầu đậu xe trong thành phố”, TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia quy hoạch đô thị thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM, nói.
Nhiều bãi giữ xe, nhưng chưa đủ
Theo chuyên gia Hữu Nguyên, đối với nhu cầu đậu xe trong đêm thì đã tạm đủ vì phương tiện cá nhân đã được chia về cho từng hộ gia đình, khu dân cư. Nhưng đối với nhu cầu đậu xe ban ngày kể cả khi tạm dừng thì vẫn chưa đủ, số lượng phương tiện quá nhiều vì nhu cầu công việc ở vùng nội đô rất lớn.
Vẫn còn những khu vực có thể khai thác để xây dựng hầm giữ xe
TS Nguyễn Hữu Nguyên
Mặt khác, hầu như các khoảng đất trống còn lại ở nội đô thường là những mảnh “đất vàng”, chỉ dành cho các dự án cao cấp, không thể làm bãi đậu xe.
Tại tầng không gian trên mặt đất, một số nơi ở TP.HCM đã dựng nhà khung thép cao tầng để giữ xe. “Nhà để xe cao tầng không đòi hỏi mặt bằng quá lớn, do đó ở nội đô vẫn có thể tận dụng chỗ xây dựng được”, ông Nguyên cho hay.
Song, chuyên gia nhận thấy mô hình nhà xe này hiện chủ yếu phục vụ nhu cầu nội bộ và số lượng chưa nhiều để phục vụ nhu cầu công cộng và khách vãng lai.
Khu vực ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất có nhà để xe 7 tầng, tổng diện tích sàn khoảng 66.933 m2, có sức chứa khoảng 3.000 xe máy và hơn 1.700 ôtô được đánh giá có quy mô lớn nhất TP.HCM hiện nay. Ảnh: Lê Quân. |
Tại tầng không gian dưới lòng đất, cách đây 14 năm người dân từng nghe nói đến dự án xây hầm để xe bên dưới các công viên Lê Văn Tám, Tao Đàn, Thảo Cầm Viên (quận 1)… Theo quy hoạch, khu trung tâm TP.HCM rộng 930 ha sẽ có 8 bãi đậu xe ngầm. Nhưng đến nay chưa có bãi xe nào được xây dựng.
“Ở nội đô vẫn còn những khu vực có thể khai thác để xây dựng hầm giữ xe với những quy mô khác nhau. Về công nghệ và thiết kế, thành phố hoàn toàn có đủ năng lực vì từng làm đường hầm vượt sông Sài Gòn, đường hầm metro. Vấn đề còn lại là huy động vốn đầu tư, khảo sát, quy hoạch và lập dự án”, ông Nguyên nhận định.
Cũng theo ông Nguyên, mặt khác, nhu cầu gửi xe nên được giải tỏa bớt tại hầm để xe các chung cư cao tầng, khách sạn, hay cơ quan công quyền có thể thiết kế tầng hầm để xe, kết hợp cùng với một số bãi gửi xe tính giờ đã có từ trước.
Một số điểm gửi xe "quen thuộc" của người dân TP.HCM ở quận 1. Đồ họa: Minh Trí. |
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, trong bán kính 500 m quanh trụ sở UBND TP.HCM có 59 công trình có 1-5 tầng hầm đỗ xe, như tòa nhà mPlaza Saigon, khu phức hợp Eden, cao ốc Saigon Center...
Bên cạnh đó còn có gần 50 cao ốc khác có tầng hầm đỗ xe với sức chứa nhỏ hơn, nằm ở các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng... Ước tính ngoài khả năng đáp ứng chỗ đậu xe cho cư dân, người làm việc của các tòa nhà, thì còn khoảng 20% diện tích (đủ khoảng 1.300 ôtô và 2.750 xe máy) cho xe vãng lai đậu.
Hiện đường Võ Văn Kiệt (quận 1) có một bãi đậu xe 5 tầng với sức chứa 450 ôtô và hơn 3.900 xe máy.
“Chưa tính đến giá gửi xe, tôi không ưu tiên chỗ gửi xe này, vì từ vị trí đó để tỏa vào các địa chỉ trong quận 1 khá xa, chưa có phương tiện trung chuyển tiện lợi. Tôi thường tìm nơi đậu xe gần nhất, chỗ này hết thì đi tìm tiếp xung quanh”, anh Ngọc Thắng, tài xế thường đưa cấp trên đi họp, cho hay.
Có nên làm bãi đậu xe trên mặt nước?
TP.HCM có khoảng 80 km sông, kênh rạch chảy qua các quận 1, 4, 7, 12, Bình Thạnh, TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn. Các tuyến sông này hiện chưa được khai thác hết tiềm năng. TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, gọi đây là sự lãng phí về quỹ đất ven sông và mặt nước.
Có thể khai thác mặt nước của các con kênh trong nội đô để làm nơi giữ xe
TS Nguyễn Hữu Nguyên
Bãi đậu xe ngày càng thiếu do quỹ đất khu vực đô thị bị hạn chế. Đối với những thành phố “may mắn” có nhiều mặt nước, thì bãi đậu xe nổi có thể là hướng đi ổn so với việc xây dựng một nhà để xe cố định trên mặt đất.
Trước đây, từng có đề xuất thành phố có thể khai thác không gian mặt nước của các con kênh trong nội đô để làm nhà gửi xe nhiều tầng, giống như cây cầu bắc qua con kênh dọc Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
“Tôi nghĩ đó là một ý tưởng rất đáng để nghiên cứu”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Có ý kiến cho rằng dầu, nhớt của xe sẽ xuống kênh, sông gây ô nhiễm nguồn nước. Chuyên gia Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng vấn đề này hoàn toàn có thể loại bỏ được bằng các giải pháp kỹ thuật.
Đối với ý kiến lo ngại về việc nhà xe nổi có thể phá vỡ cảnh quan sông nước, ông Nguyên nói điều này cũng có thể loại trừ. Theo ông, những “nhà cầu để xe” có thể được thiết kế đa dạng đảm bảo mỹ quan, thêm chức năng trang trí cho cảnh quan đô thị. Đồng thời, thiết kế sẽ phải bảo đảm không cản trở lưu thông của các phương tiện giao thông đường thủy.
Bãi đậu xe trên mặt nước Umihotaru ở Nhật Bản được xây từ năm 1997 trên một hòn đảo nhân tạo giữa biển. Nơi đây là tổ hợp công trình giao thông, giải trí, tham quan gồm 5 tầng, trong đó 3 tầng dành cho khu vực đậu xe. Ảnh: MatchaJP. |
Một số nước trên thế giới từng đề ra ý tưởng các nhà đầu tư có thể nghiên cứu xây dựng loại nhà xe như tàu thuyền, vừa nhiều tầng, vừa có khả năng di động, có mớn nước thấp để tàu có thể dễ dịch chuyển trên sông ngòi, kênh rạch theo triều cường ở TP.HCM.
Tùy độ rộng mặt nước, nhà xe nổi sẽ chứa vài chục đến cả trăm ôtô hay hàng nghìn xe máy. Đây có thể coi như giải pháp tạm thời hoặc có khả năng lâu dài hơn với chi phí không quá lớn trước tình trạng thiếu bãi giữ xe.