Sở Tài chính vừa trình UBND TP.HCM dự thảo quyết định về phương án giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019-2022.
Theo phương án này, giá nước sạch tăng lũy tiến trong các năm tới với mức tăng từ 5-6,6%. Ở định mức 4 m3 đầu tiên, giá nước sạch dự kiến tăng lên 5.600 đồng/m3 trong năm nay và tăng lên 6.700 đồng vào năm 2022.
Nhà máy nước Thủ Đức. Ảnh: Nguyên An. |
Đáng chú ý, khi sử dụng vượt định mức trên 6 m3, người dân phải trả tới 14.400 đồng/m3 vào năm 2022. Đơn giá nước này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường theo quy định.
Định mức sử dụng nước sinh hoạt được xác định trên số nhân khẩu thường trú và tạm trú dài hạn, mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký định mức tại một thuê bao đồng hồ nước. Sinh viên và người lao động có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên được hưởng định mức như người dân có hộ khẩu TP.HCM.
Tại TP.HCM, người dân đang trả tiền nước hàng tháng theo đơn giá nước sinh hoạt tại Quyết định 103/2009 của UBND TP. Trong 6 năm qua, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn nhiều lần đề xuất tăng giá nước sạch để cân đối chi phí, phát triển mạng lưới cấp nước.
Giá nước dự kiến trong các năm tới. Ảnh: Sở Tài chính. |
Chỉ trong giai đoạn 2014-2017, Sở Tài chính đã trình thành phố 7 tờ trình điều chỉnh giá nước nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Mấu chốt chính khiến phương án nước chưa được thông qua là tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành vẫn còn cao, hiện khoảng 22,2%.
Tổng công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn TP.HCM khoảng 2,4 triệu m3/ngày nhưng công suất tiêu thụ chỉ hơn 1,8 triệu m3/ngày. Bên cạnh nguồn nước sạch, khoảng 680.000 m3 nước ngầm cũng được khai thác mỗi ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.