Tại cuộc họp báo thường kỳ sáng 2/12, trả lời câu hỏi về công tác quản lý các trung tâm cai nghiện của thành phố, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố hiện có 17 cơ sở cai nghiện nằm rải rác ở các địa phương. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa có trường hợp bỏ trường mang tính tập thể.
Theo ông Hoan, sở dĩ thành phố đạt được điều này là vì cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, tốt hơn nhiều so với các địa phương lân cận. Các cơ sở cai nghiện cũng không gặp tình trạng quá tải.
Nhiều học viên đập phá, đòi trốn trại cai nghiện vào sáng 6/11 tại Đồng Nai. Ảnh: N.A.
|
Đội ngũ giáo viên rất tâm lý, biết cách ứng phó trong những trường hợp cụ thể. Các trung tâm cũng rất chú trọng đến hoạt động thể chất, văn hoá. Theo Chánh văn phòng UBND TP, nếu không có hoạt động giúp người cai nghiện giảm ức chế thì họ rất dễ nổi loạn.
Đối với các trường hợp cá biệt, có tiền án tiền sự, trung tâm cũng tạo điều kiện để gia đình, người thân gặp gỡ động viên. “Giáo dục mà không có những liên hệ với gia đình thì các em cảm thấy rất căng thẳng. Dĩ nhiên, phương pháp mềm mỏng nhưng vẫn phải đưa các đối tượng này vào khuôn phép”, ông Hoan khẳng định.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Minh Tấn cho hay theo báo cáo của phường xã và công an cơ sở, ước tính có 26.000 người sử dụng chất gây nghiện trên toàn thành phố. Qua xét nghiệm, kiểm tra, phát hiện 19.000 trường hợp dương tính.
Hiện nay, có 11.200 người được đưa đi cai nghiện bắt buộc tại 12 cơ sở. Trong đó, có 9 cơ sở tập trung và ba cơ sở xã hội do Sở Lao động, Thương binh & Xã hội và thanh niên xung phong quản lý. Trong số người đi cai nghiện, có trên 10.000 người không có nơi cư trú ổn định. Gần 800 người có nơi cư trú đang được giáo dục, cai nghiện tự nguyện ở cộng đồng.