Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải lòng của cán bộ trung tâm cai nghiện bị đập phá

Trung tâm cai nghiện ma túy Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) có 1.400 học viên nhưng chưa tới 100 cán bộ, đồng nghĩa với việc trung bình, mỗi cán bộ phải quản lý tới 14 học viên.

Một ngày sau vụ nổi loạn tại trung tâm cai nghiện Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai), những mảnh chai, đất đá, giày dép vương vãi dọc đường vào trại đã được dọn dẹp sạch sẽ. Xung quanh trại, công an địa phương và lực lượng cơ động được tăng cường khiến không khí của trung tâm thêm phần căng thẳng. 

Nhiều tốp thợ xây được gọi tới để sửa chữa nhưng phân trại đã bị học viên đập phá trong cuộc bạo loạn ngày hôm qua. Ngoài cổng trại, người nhà học viên tụ tập thành từng nhóm, chờ được vào thăm nom con em mình.

tron trai cai nghien anh 1
Cổng trại im ắng ngày 8/11. Ảnh: Ngân Giang.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Tụng, cán bộ bảo vệ của cho biết trung tâm đã có một đêm không ngủ vì mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng.

Ông Tụng làm việc tại trung tâm cai nghiện ma túy này từ năm 2007. Thường ngày, công việc chính của của ông là làm bảo vệ, bắt đầu từ 6h30 sáng hôm nay, cho tới 6h30 sáng hôm sau.

Ông phụ trách tất cả các trường hợp người và xe ra vào trung tâm trong ngày; hướng dẫn người nhà học viên tới làm giấy tờ, thăm nuôi con em; bước đầu tiếp đón ngưới mới tới.

Kết thúc ca bảo vệ, ông tiếp tục chuyển sang công việc đưa học viên tới nơi sản xuất. Một mình ông trông coi giờ lao động của học viên tới chiều tối, trong số đó nhiều người có tiền án, tiền sự

tron trai cai nghien anh 2
Ông Tụng đã gần 60 tuổi, công việc của ông thường kéo dài trong 2 ngày, chỉ được nghỉ một buổi tối về nhà, và lại đến trung tâm vào sáng hôm sau. Ảnh: Ngân Giang.

Cứ 2 ngày làm việc, người đàn ông gần 60 tuổi này được nghỉ một buổi tối để về nhà ngủ nghỉ, tắm rửa và lại tiếp tục tới trung tâm vào 6h30 sáng hôm sau.

Sau gần 10 năm làm việc, mức lương của ông là 5,4 triệu đồng, bao gồm lương cứng, phụ cấp ăn uống, đi lại.

"Lương của tôi đã tăng nhiều so với ngày trước, còn cao hơn các cán bộ khác. Có anh em ở đây chỉ được nhận 2 tháng mà vẫn phải làm cả ngày lẫn đêm", ông Tụng chia sẻ.

Cũng như người bảo vệ này, các cán bộ của trung tâm cai nghiện tỉnh Đồng Nai đang phải làm công việc quá tải, nguy hiểm rình rập mỗi ngày với đồng lương ít ỏi.

Học viên cai nghiện bỏ trốn do trại quá tải

Tại cuộc họp khẩn chiều 7/11, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc là quá tải.

Việc nhiều làm không xuể

Trong các vụ học viên đập phá, hò hét, kích động, thậm chí tấn công các cán bộ trung tâm vào ngày 6/11, 7/11, và trước đó là ngày 23/10, số nhân viên tại chỗ như ông Tụng không đủ để ngăn chặn. Họ phải nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng công an và chính quyền địa phương.

"Ngày 23/10, họ đốt lửa, hò hét, đập phá giữa đêm, chúng tôi không trở tay kịp. Ngày 6 và 7/11 có công an tới nhưng việc giữ học viên bình tĩnh vẫn rất khó khăn. Họ cứ dò hô, ném đất cát, chai lọ xuống cán bộ. Có anh còn trèo lên cây cao, nói thế nào cũng không chịu xuống. Một số người còn bị thương", ông kể.

Đêm qua, ông Tụng và nhiều cán bộ khác không dám nghỉ ngơi mà phải thay nhau túc trực quanh trại, vì sợ học viên nổi loạn một lần nữa.

tron trai cai nghien anh 3
Sáng 7/11, học viên của trung tâm cai nghiện hò hét, đập phá, đòi ra ngoài. Ảnh: N.A.

Ông Trương Văn Thành, một cán bộ khác chỉ ra trung tâm có 1.400 học viên, mà chỉ có gần 100 người quản lý. Đồng nghĩa mỗi người phải chịu trách nhiệm tới 14 học viên.

"Công việc nhiều quá làm không xuể. Tất cả cán bộ ở đây đều phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Số lượng học viên vào ngày càng tăng lên dẫn đến quá tải. Số lượng thuốc dùng để cắt cơn thèm thuốc không đủ. Cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, chật hẹp", ông Thành nhận định.

Cũng theo ông Thành, đa số anh em tại đây chỉ được tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn. Các cán bộ quản lý thiếu trình độ tư vấn tâm lý và tiếp cận học viên.

"Nhưng vấn đề chính là áp lực tinh thần. Một số cán bộ từng làm ở đây không nổi chịu sự vất vả và căng thẳng đã phải bỏ việc", ông Thành nói.

Ngoài ra, học viên của trung tâm có tâm lý không sợ cán bộ. Nhiều người vào đây khi không hiểu luật pháp, muốn về nhà trước thời hạn. Thêm vào đó, tâm lý của người sử dụng ma túy liên tục thay đổi.

"Hiện chưa có phác đồ điều trị đối với các loại ma túy đá. Với loại thuốc điều trị methadone, kinh phí rất cao, mỗi ngày trên một triệu đồng cho một người", ông Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết.

Bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cung cấp mức lương khởi điểm cán bộ tại trung tâm tính trên hệ số 1,67 x 1.210.000 đồng/tháng. Việc vất vả, lương thấp, nên việc tuyển thêm người cũng gặp khó khăn. 

"UBND tỉnh đã đồng ý tuyển thêm 70 suất hợp đồng lao động nhưng tới nay không tuyển được ai. Tỉnh buộc phải tính tới phương án thuê một công ty dịch vụ vệ sĩ để có thêm nhân lực hỗ trợ”.

Nhanh chóng khắc phục đời sống cán bộ trung tâm

Trong cuộc họp với các ban, ngành của tỉnh Đồng Nai chiều 7/11, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận cuộc sống của các cán bộ trung tâm cai nghiện rất khó khăn. Hệ thống các cơ sở thiếu và yếu về đội ngũ, chuyên môn, kỹ năng tâm lý và phác đồ điều trị.

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh tăng cường số lượng đội ngũ cán bộ và lực lượng bảo vệ cán bộ; sớm có giải pháp kiến nghị nâng cao thu nhập cho cán bộ cơ sở. Đồng thời, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẩn trương tổ chức tập huấn kỹ năng cho đội ngũ cán bộ cơ sở điều trị cai nghiện ma tuý.

tron trai cai nghien anh 4
Đại biểu Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai cho rằng, việc quan trọng hiện nay là giảm tải áp lực công việc của cán bộ trung tâm cai nghiện. Ảnh: Bảo Lâm.

Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai, cho biết tình trạng trung tâm cai nghiện quá tải không chỉ tồn tại ở riêng Đồng Nai.

"Quan trọng nhất hiện nay là rà soát lại việc xây dựng cơ sở vật chất, phù hợp với hoạt động của trung tâm. Tỉnh sẽ nhanh chóng cho phân loại lại các học viên, tùy mức độ mới giữ lại, hoặc gửi về gia đình quản lý và chăm sóc. Việc giảm số lượng sẽ giảm tải áp lực cũng như công việc của cán bộ và lực lượng bảo vệ", bà Thanh nói.

Nhằm hỗ trợ một phần đời sống của cán bộ nơi đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất Sở Lao động Thương binh và Xã hội trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tháng 12 tới đây việc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ cơ sở.

Cha mẹ hớt hải đến trại cai nghiện tìm con sau vụ đập phá

Lo lắng, hoang mang trước tin con em mình bỏ trốn, nhiều gia đình đã tới trung tâm cai nghiện Đồng Nai để tìm người thân.

'Không nên coi trung tâm cai nghiện là nơi nhốt người'

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cách thức quản lý người cai nghiện cần được cải thiện, để họ thấy đó không phải là nơi nhốt người.


Ngân Giang - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm