Tại buổi họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nêu thực trạng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp được xả tràn lan và yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường cần có những biện pháp nhằm kiểm soát nước thải ra môi trường kênh rạch.
Đẩy nhanh tiến độ Rạch Xuyên Tâm
Trong tháng 8, Zing.vn đã đăng tải tuyến bài nói về thực trạng của rạch Xuyên Tâm. Với chiều dài khoảng 6,2 km, rạch xuất phát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TP.HCM). Hàng chục năm qua, con rạch này được xem là nơi ô nhiễm nặng nề nhất của thành phố.
Rạch Xuyên Tâm ô nhiễm kéo dài hàng chục năm. Ảnh: Quang Huy. |
Thông tin về việc cải tạo rạch Xuyên Tâm, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết TP đã thống nhất với phương án tách làm 2 dự án riêng biệt. Dự án thứ nhất sẽ thực hiện khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Dự án thứ 2 là cải tạo và xây dựng hạ tầng phía trên và 2 bên dòng nước.
"Hiện cả 2 dự án đang trong khâu nghiên cứu, sau khi HĐND TP thông qua, dự án mới đủ cơ sở để lựa chọn nhà thầu", ông Hoan chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin thêm Công ty Hà Nội Nghìn Năm đã theo đuổi dự án từ khi nghiên cứu tiền khả thi nên TP chấp thuận để nhà đầu tư này tiếp tục nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hoàn tất, dự án sẽ được đấu thầu công khai.
"Thành phố có một phần ngân sách dành cho việc nghiên cứu, nghiên cứu xong sẽ đấu thầu chứ không có chuyện chỉ định thầu", Chủ tịch Phong khẳng định.
Kênh Tham Lương - Bến Cát sẽ bị tái chiếm nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ
Ông Hoan cho biết ngoài tuyến rạch Xuyên Tâm, một con kênh khác của thành phố cũng cần phải nhanh chóng cải tạo là kênh Tham Lương - Bến Cát.
"Rạch Xuyên Tâm và kênh Tham Lương - Bến Cát được xử lý xong thì vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở TP.HCM cơ bản sẽ được giải quyết", Phó chủ tịch phụ trách mảng đô thị nói.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát (đường màu đỏ) đoạn chảy qua quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: Google Maps. |
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát đã được nghiên cứu nhiều năm. Trước đây, dự án được một tổ chức nước ngoài tài trợ nguồn vốn ODA. Sau khi bất đồng về chính sách đền bù, tổ chức này đã rút lại nguồn vốn.
"Hiện tại, công tác đền bù cho dự án đã hoàn tất, dọc 2 bên con kênh đều là đất sạch. Nếu tiếp tục chậm tiến độ, con kênh có nguy cơ bị tái lấn chiếm cao", ông Hoan nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch Đầu tư cần sớm trình UBND TP kế hoạch kêu gọi nhà đầu tư cho dự án này. Hiện tại, thành phố thống nhất chủ trương dự án sẽ được thực hiện tổng thể hoặc chia ra làm nhiều dự án thành phần nhỏ hơn.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cho rằng tình trạng ô nhiễm sẽ tiếp tục diễn ra nếu không ngăn chặn được việc xả nước thải bừa bãi ra kênh rạch. Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất tranh thủ xả vào khoảng thời gian chính quyền khó kiểm soát.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng cần sớm áp dụng công nghệ cảm biến đo chất lượng nước thải vào từng cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư.
Việc áp dụng công nghệ vào kiểm soát nước thải sẽ giúp cấp quản lý nhanh chóng phát hiện và xử phạt những đơn vị có nguồn xả thải vượt quá chỉ số ô nhiễm cho phép. Các doanh nghiệp có nguồn nước thải ra kênh rạch phải đầu tư hệ thống cảm biến trên, chính quyền thành phố sẽ có trách nhiệm giám sát, quản lý.
"Chúng ta vẫn cố làm sạch kênh rạch nhưng vẫn xả thải như hiện tại thì sẽ không có kết quả", ông Võ Văn Hoan yêu cầu.