“Du khách đến thăm một thành phố phần nhiều vì muốn tìm hiểu văn hóa và lối sống ở đó. Tuy nhiên, du khách nước ngoài đến Việt Nam hiếm khi quay lại, lượng chi tiêu cũng không cao. Nếu TP.HCM phát triển nhiều hoạt động văn hóa, giải trí thì hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn”, ông Luigi Campanale - Giám đốc Công ty SCE Project Asia (Italy), cho biết.
Đồng quan điểm trên, giáo sư Perry Hobson (Đại học Sunway, Malaysia) nói với Zing.vn: “Bất động sản thương mại đang phát triển mạnh mẽ ở TP.HCM, nhưng thực tế chúng ta có thể mua sắm ở bất cứ đâu trên thế giới. Để tạo khác biệt, TP.HCM cần tận dụng các kiến trúc cổ, bảo tàng, các nét đẹp văn hóa mang tính lịch sử không đâu khác có được”.
Đồng thời, ông cũng chỉ ra tiềm năng du lịch có thể khai thác từ sông Sài Gòn và khu vực bờ kè ven sông. “Tuyến xe buýt trên sông Sài Gòn còn đơn giản, chưa có giá trị kinh tế cao, trong khi ven sông lại chỉ có các quán nhậu và cà phê bình dân, hiếm dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho khách du lịch", ông phân tích.
Văn hóa kết hợp công nghệ
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tiết lộ TP.HCM đang lên phương án tận dụng sông Sài Gòn và bờ kè trong phát triển du lịch và kinh tế.
Đặc biệt, theo các lãnh đạo và chuyên gia, những giá trị văn hóa, lịch sử này cần được kết hợp cùng công nghệ để mang đến trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách.
Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - lấy dẫn chứng từ mức tăng trưởng du lịch lên đến 30% và 15% hàng năm của các thành phố phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhanh chóng trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản) và Seoul (Hàn Quốc). “Trong xu thế đó, rõ ràng du lịch TP.HCM không thể đứng ngoài cuộc”, ông nhấn mạnh.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là một trong những dự án được TP.HCM triển khai du lịch thông minh đầu tiên. Ảnh minh họa. |
“Bản chất của du lịch thông minh là sự tương tác, tương tác giữa con người với công nghệ và giữa con người với con người. Cuối tháng 9, TP.HCM dự kiến công bố thí điểm các trụ 5G đầu tiên trên cả nước. Tháng 10, Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh sẽ được tích hợp các yếu tố công nghệ”, ông Trần Vĩnh Tuyến thông báo.
Ngoài du lịch thông minh, du lịch tự trải nghiệm (solo traveling) cũng là định hướng phát triển sắp tới của TP.HCM, trong đó chú trọng tận dụng các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa.
Theo bình chọn của khách du lịch trên TripAdvisor, Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có du lịch trải nghiệm tốt nhất thế giới. Mặt khác, dự báo đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến dẫn đầu khu vực với hơn 30 triệu lượt khách.
Tiềm năng lớn
“Với sự phát triển của Internet, khách du lịch ngày nay có thể tự tìm hiểu và lên kế hoạch cho các chuyến đi, đẩy nhu cầu du lịch tự trải nghiệm tăng cao. TP.HCM với nhiều nét văn hóa ẩm thực, kiến trúc và bề dày lịch sử là điểm đến rất được ưa chuộng, vấn đề là TP có tận dụng được tốt hay không”, ông Dushyant Dwibedy - Giám đốc OYO Việt Nam - nhận định.
Trước tiềm năng to lớn của thị trường, chuỗi khách sạn nhượng quyền có lượng phòng lớn thứ 2 thế giới này dự kiến tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng với mục tiêu phủ sóng trên 10 thành phố vào năm 2020.
Ông cũng cho rằng 4 điểm mấu chốt các doanh nghiệp cần chú ý khi phát triển du lịch tự trải nghiệm là tính cá nhân hóa, chuẩn hóa, an toàn và giá cả phải chăng, trên cơ sở các trải nghiệm địa phương của điểm đến.
Ngành du lịch TP.HCM những năm qua có nhiều bước phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng bình quân đạt 11-12%. Năm 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017, đem về doanh thu hơn 138.000 tỷ đồng.
Riêng 8 tháng đầu năm, đã có 5,5 triệu lượt khách quốc tế ghé thăm, tăng 12,1 % so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu đạt 96.115 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Phát biểu tại các sự kiện trong khuôn khổ ITE 2019, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm trong 10 năm tới, gắn với các tài nguyên có sẵn mang tính đặc thù của TP.HCM.