Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TP.HCM cần làm gì khi F0 tăng nhanh sau 25/8?

Chuyên gia cho rằng lượng F0 tăng cao sau 25/8 do xét nghiệm diện rộng tại TP.HCM không phải dấu hiệu bất thường; tuy nhiên, ngành y tế cần tính toán phương án điều trị tương ứng.

xet nghiem dien rong tai TP.HCM anh 1

Để vẽ lại bản đồ nguy cơ dịch bệnh, TP.HCM tiến hành xét nghiệm toàn thành phố từ 23/8 theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó tập trung hoàn thành lấy mẫu đơn test nhanh vùng đỏ, cam ngày 25/8.

Số ca F0 tăng cao khi xét nghiệm diện rộng là điều đã được dự báo. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đánh giá sau 25/8, “tình hình sẽ khó khăn”.

Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh nhân Covid-19 sẽ được phân loại theo 3 tầng điều trị, ngành y tế cũng đang liên tục nâng công suất các tầng. Trong khi đó, chuyên gia cho rằng thành phố cần đánh giá năng lực điều trị so với số ca F0 được phát hiện.

Tỷ lệ dương tính chấp nhận được

Trong 170.000 mẫu xét nghiệm nhanh ngày 23/8, ngành y tế phát hiện khoảng 6.000 mẫu dương tính, theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng. Như vậy, tỷ lệ dương tính trên tổng số mẫu khoảng 3,5%. Ông Hưng nhận định đây là tỷ lệ “chấp nhận được”, bởi vẫn nằm trong ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Áp lực chữa trị lên ngành y tế rất lớn, nhưng chúng ta được sự chi viện của các lực lượng Trung ương và Bộ Y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng

Đồng ý với nhận định này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng việc xét nghiệm diện rộng là tốt bởi giúp phát hiện được sớm các F0 và đưa vào điều trị sớm nếu cần thiết. Tỷ lệ dương tính 3% không phải con số bất thường dù số ca F0 được phát hiện rất cao.

Theo WHO, nếu chỉ số này nằm trong 3-12% nghĩa là địa phương đang xét nghiệm đủ số người cần thiết. Cụ thể, tỷ lệ dưới 3% tức là quy mô xét nghiệm quá lớn trong khi mẫu có kết quả dương tính quá ít; còn nếu trên 12% thì quy mô xét nghiệm quá nhỏ, có thể cho kết quả không chính xác, cần tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng điều quan trọng nhất là năng lực điều trị của thành phố phải tương ứng với số F0 được phát hiện, cần điều trị.

Lượng F0 được phát hiện sau 25/8 tăng, tương đương với số F0 có nhu cầu điều trị sẽ nhiều lên, đòi hỏi ngành y tế chuẩn bị phương án đáp ứng.

xet nghiem dien rong tai TP.HCM anh 2

TP.HCM xét nghiệm mẫu đơn kháng nguyên nhanh tại vùng đỏ, cam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết hiện, TP.HCM thực hiện mô hình điều trị tháp 3 tầng và các bệnh nhân Covid-19 khi được phát hiện sẽ được phân loại theo các tầng này.

Thời gian qua, TP.HCM liên tục mở rộng tầng điều trị thứ nhất, tức điều trị F0 tại nhà. Đây là tầng rất quan trọng bởi giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Nhiều mô hình đang được thực hiện để tăng quản lý, điều trị F0 tại nhà.

Sở Y tế phối hợp với quận, huyện hình thành trạm y tế lưu động. Mỗi phường, xã thành lập 2-3 trạm tùy theo số lượng F0. Mỗi trạm này sẽ kết nối, chăm sóc 50-100 F0. Giai đoạn 1, thành phố lập 135 trạm y tế lưu động, đi vào hoạt động trước 24/8, 225 trạm còn lại trước 27/8. Các mạng lưới tư vấn F0 tại nhà cũng được mở rộng.

Trường hợp F0 trở nặng sẽ được chuyển lên tầng 2 hoặc tầng 3.

Tầng 2 hiện có 75 bệnh viện cấp thành phố, bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi. Tầng 3 có 5 Trung tâm Hồi sức Covid-19 và 3 bệnh viện để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch với tổng số 3.600 giường. Tính đến 24/8, 2 tầng điều trị này tiếp nhận 33.000 bệnh nhân.

“Áp lực chữa trị lên ngành y tế là rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta được sự chi viện của các lực lượng Trung ương và Bộ Y tế cho nên đảm bảo được công tác điều trị cho bệnh nhân tầng 2, tầng 3 và tiếp tục mở rộng tầng 1, khu cách ly quận, huyện, giảm tải tầng trên”, ông Hưng chia sẻ.

Tránh sai lầm trong xét nghiệm

Chuyên gia đánh giá lần xét nghiệm diện rộng này, kết quả có vẻ khả quan hơn trước đây do thành phố nhận được sự chi viện rất lớn từ Trung ương, quân đội và các tỉnh, thành. Dù Bộ Y tế và TP.HCM đã có sự chuẩn bị, chuyên gia cho rằng còn nhiều vấn đề phải lưu ý để tránh các sai lầm trước đây.

Theo PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc (cựu Phó khoa Y, cựu Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM), nếu như trước đây, tất cả F0 được ngành y tế đưa đi cách ly, điều trị ngay khi phát hiện thì hiện nay, F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ điều trị tại nhà. Như vậy, về bản chất, F0 này vẫn còn trong cộng đồng và việc xét nghiệm chỉ có ý nghĩa phát hiện. Do đó, thông điệp "xét nghiệm để bóc tách F0 khỏi cộng đồng" không còn phù hợp.

Tạo sức ép về chỉ tiêu đôi khi sẽ khiến người thực hiện rối, làm sai quy định.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng

Vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về việc cán bộ lấy mẫu sai nguyên tắc về chống nhiễm khuẩn. Theo đó, về nguyên tắc, mỗi lần lấy mẫu nhân viên y tế đều phải thay găng tay hoặc sát khuẩn, sau đó phải chờ găng tay khô thì vi khuẩn mới chết. Nếu vừa sát khuẩn xong đã lập tức lấy mẫu tiếp thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, bà cho rằng cả 2 cách làm này đều có hạn chế. Nếu mỗi lần lấy mẫu thay một găng tay thì rất tốn kém, đặc biệt trong bối cảnh thiếu nhiều trang thiết bị y tế. Còn nếu mỗi lần lấy mẫu phải chờ nước sát khuẩn khô sẽ rất mất thời gian.

Do đó, bác sĩ Phúc ủng hộ chủ trương để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Riêng với xét nghiệm PCR, nên để nhân viên y tế làm vì việc lấy mẫu đòi hỏi tiêu chuẩn cao.

xet nghiem dien rong tai TP.HCM anh 3

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại nhà. Ảnh: Duy Hiệu.

Cùng quan điểm, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM) nêu thực tế ở các lần xét nghiệm trước, việc đặt chỉ tiêu làm nhân viên y tế có cảm giác hối hả, trong khi với ngành y tế, quan trọng nhất là bình tĩnh.

“Tạo sức ép về chỉ tiêu đôi khi sẽ khiến người thực hiện rối, làm sai quy định, chỉ cần không đảm bảo vô trùng có thể gây nguy cơ lây nhiễm chéo”, bác sĩ Dũng nhận định.

Ông nhấn mạnh cần giám sát kỹ quy trình và không đặt ra những mong đợi không thực tế. Nếu nhân viên y tế quá tải có thể dẫn đến các kết quả sai lệch, xuất phát từ sai sót nhỏ như dán nhầm mã xét nghiệm, trả kết quả nhầm...

Một đòi hỏi quan trọng khác là kết quả xét nghiệm PCR phải trả về đúng thời gian quy định. Nếu đưa về 500.000 mẫu/ngày thì năng lực xét nghiệm phải đạt được mức này, còn nếu 2-3 ngày mới trả kết quả, việc xét nghiệm sẽ vô nghĩa.


2 lần nâng mức độ phòng dịch ở TP.HCM

Trải qua gần 2 tháng, TP.HCM từ việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã phải hai lần nâng mức độ phòng dịch. Ngày 23/8-6/9, TP áp dụng nhiều biện pháp để "ai ở đâu ở yên đấy".

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm