"Tôi nói rất thật lòng đây là thời khắc khó khăn cho thành phố cũng như cá nhân tôi khi nhận nhiệm vụ", tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trải lòng tại buổi họp báo ngay sau khi đắc cử Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Mãi cho biết người dân TP.HCM đang trải qua những ngày khó khăn nhất. Sự chịu đựng, bất tiện, thiếu thốn và đặc biệt là sự mất mát của nhiều người... là điều không mong muốn mà người dân phải trải qua. Đây là áp lực rất lớn với ông khi nhận nhiệm vụ vào thời điểm này.
"Không phải tới 15/9 là không còn dịch"
Dịch bệnh kéo dài gây tổn thương rất lớn cho kinh tế - xã hội của TP.HCM cũng như cả nước. Nhiều người không có việc làm, không có thu nhập, sản xuất bị ngừng trệ dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ ông rất trăn trở khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM và thấy nhiệm vụ của mình càng nặng nề hơn. Ông bày tỏ quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ và cho biết một mình ông không thể làm tất cả. Chủ tịch TP mong muốn có sự đồng lòng, chung sức của hệ thống chính quyền để cùng vượt qua khó khăn.
Nói về ưu tiên trong phòng chống dịch thời gian tới, ông Mãi cho biết sẽ huy động tất cả nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung thực hiện các mục tiêu: Giảm tử vong, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị; chăm lo đời sống cho người dân bằng an sinh xã hội; thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch, cải thiện tình hình; đẩy nhanh tiêm vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng.
Đối với vấn đề mở cửa nền kinh tế, ông Mãi khẳng định đây là yêu cầu có thật và rất bức thiết. Tuy nhiên, để thực hiện, thành phố cần có kế hoạch cụ thể, lộ trình, và việc mở cửa phải từng bước, phù hợp. Chủ tịch TP.HCM cho biết sẽ chỉ đạo nghiên cứu kế hoạch cụ thể để phù hợp với tình hình dịch bệnh, khôi phục và phát triển nền kinh tế khi dịch kéo dài, phức tạp.
Thành phố đặt mục tiêu tới 15/9 sẽ kiểm soát được dịch nhưng ông Mãi khẳng định không phải "tới đó là hết". Đến 15/9, TP.HCM đo lường việc kiểm soát dịch dựa trên các tiêu chí như: Số ca nhiễm sẽ giảm dần, số ca cần điều trị sẽ bằng và nhỏ hơn năng lực điều trị của thành phố, số ca tử vong sẽ giảm rõ rệt, vùng xanh sẽ được mở rộng, vùng đỏ, cam, vàng giảm đi.
"Thế nhưng không phải tới 15/9 là không còn dịch nữa. Tình hình này sẽ kéo dài đến cuối năm và có thể sang năm 2022 như kinh nghiệm ở Mỹ, châu Âu và các nước châu Á ngay cả khi họ đã hành động sớm, có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Diễn biến chủng Delta khiến tình hình nhiều nước đang diễn biến phức tạp", ông Mãi nhận định.
Tính toán mở cửa dần dần
Nói về định hướng mở cửa lại thành phố, ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ sớm thành lập bộ phận xây dựng kế hoạch cụ thể để bổ sung các biện pháp từ nay đến 15/9 và sau 15/9, tham khảo ý kiến của cơ quan chức năng, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Tùy theo tình hình dịch, thành phố sẽ mở cửa lại nền kinh tế, các hoạt động sản xuất, dịch vụ dựa trên nguyên tắc an toàn, không ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch.
Các ngành thiết yếu phải có biện pháp an toàn để duy trì, mở rộng. Những ngành quan trọng phải có kế hoạch để duy trì, mở rộng sản xuất. Các địa bàn vùng xanh và an toàn sẽ tiến hành những hoạt động rộng hơn. Những nơi mà doanh nghiệp và người dân có sáng kiến đảm bảo hoạt động sản xuất, dịch vụ an toàn thì sẽ được mở ra từng bước.
Với tinh thần ứng dụng công nghệ thông tin, thành phố đang nghiên cứu chương trình quản lý từng cá nhân, sự di chuyển, hoạt động sản xuất, dịch vụ; quản lý điểm đến là các nhà máy, xí nghiệp.
Một người đã tiêm vaccine có thể được xem là cá nhân an toàn. Nếu cá nhân an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn thì sẽ tổ chức được các hoạt động an toàn.
Thành phố sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, tiêm vaccine, dùng thuốc trị bệnh, can thiệp cấp cứu… để tính toán mở cửa dần dần.
Sau 25/8 sẽ vẫn khó khăn
Về an sinh xã hội, ông Mãi chia sẻ đây là vấn đề cả hệ thống chính trị thành phố rất lo lắng. Khi thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở đó” trong 14 ngày, nhu cầu về sinh hoạt cơ bản, tối thiểu nhất là lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu cầu khác phải được đáp ứng.
“Tuy nhiên, với một thành phố trên 10 triệu dân thì rất khó khăn. Lo ăn cho một gia đình 4 người có khi chúng ta đã thấy khó khăn. Trên 10 triệu người thì không đơn giản chút nào”, Chủ tịch TP.HCM trăn trở.
Trong những ngày tới, thành phố sẽ rà soát lại các chính sách, hiệu quả các việc đã có chủ trương. Việc gì đã có chủ trương, chính sách thì phải đảm bảo thực hiện ngay, không để tồn đọng. “Chúng tôi đánh giá sau ngày 25/8 thì tình hình cũng sẽ khó khăn”, ông Mãi nói.
Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát lại các đối tượng, chính sách còn thiếu để tiếp tục bổ sung. Phần nào lo được, thành phố sẽ lo, còn không sẽ đề xuất Chính phủ. Nếu chưa có hồ sơ, thủ tục thì tiếp tục hoàn thiện trên tinh thần không chờ khi có chính sách, hồ sơ thủ tục mới làm.
“Về an sinh xã hội, tinh thần là khẩn trương tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách, sự hỗ trợ của cả nước, các tỉnh thành phố và sự vận động của bà con để đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất”, tân Chủ tịch TP.HCM chia sẻ.
Ông Phan Văn Mãi chia sẻ niềm tin rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua khi có sự chung sức đồng lòng của chính quyền, người dân, sự giúp đỡ từ bên ngoài, các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thành phố là nơi hội tụ nhiều nguồn lực phát triển, nhân tài, vật lực trong và ngoài thành phố. Ông Mãi nhận định nếu khơi dậy, kết nối được thì nguồn lực phát triển rất lớn. Đây là mục tiêu thành phố sẽ tập trung, đeo đuổi làm sao cho hệ thống chính quyền làm tốt vai trò, chức trách để phục vụ người tốt hơn.
“Mình làm tốt để người ta tin tưởng cùng mình làm. Thứ hai là thật sự cầu thị kết nối các nguồn lực đó để cùng phát triển”, ông Phan Văn Mãi nói.
Cuối cùng, tân Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ ông “chịu ơn” thành phố. Từ khi đi học, trưởng thành và có thời gian làm việc tại đây, ông nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ TP.HCM. Ông tâm niệm phải học tập nhiều hơn để đảm đương nhiệm vụ được giao, trong công việc phải quyết liệt hơn để thực hiện nhiều nhất có thể.