Sau khi xuất hiện 5 ca mắc Covid-19 trong 4 ngày gần nhất trên địa bàn, vấn đề có nên đóng cửa các quán ăn hoạt động trong phạm vi hẹp được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra thảo luận tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 21/5.
"Giống như trường hợp ở quận 3, chỉ từ một quán ăn đã phải phong tỏa một con hẻm. Chỉ cần lơi lỏng là thấy hậu quả khó khăn ra sao", Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố. Ảnh: HMC. |
Tại buổi họp, ông Võ Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 3, đề xuất đóng cửa các quán nhậu và khuyến khích phương án mua hàng mang về. Việc này nhằm đảm bảo giãn cách và tránh lây lan dịch bệnh.
"Qua kiểm tra, các quán nhậu đêm rất đông. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, họ thu vào nhưng khi lực lượng đi, họ lại bày ra, việc này kéo dài đến gần 11h đêm gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống Covid-19", Chủ tịch UBND quận 3 thông tin.
Đại diện UBND quận Gò Vấp cũng đồng tình với phương án đóng cửa một số loại hình kinh doanh ăn uống để phòng dịch. Theo lãnh đạo UBND quận Gò Vấp, từ đợt bùng phát dịch mới nhất tại thành phố, quận đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng chức năng ra quân, xử phạt gần 800 triệu đồng đối với các hàng, quán không tuân thủ quy định phòng dịch.
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nêu đề xuất biện pháp tạm dừng một số hoạt động theo Chỉ thị 15 như các lễ hội tôn giáo, tập trung đông người; người dân không tụ tập quá 30 người trong phòng kín và 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học. Sở cũng đưa ra phương án người dân giãn cách 2 m nơi công cộng, đặc biệt trong ngày bầu cử.
"Các phương tiện công cộng cần tăng cường thông khí trên xe. Xe buýt, taxi cần mở cửa thông gió để tránh việc không khí kín. Ngoài ra, các quán ăn không đảm bảo không gian giãn cách chỉ được bán mang về", lãnh đạo Sở Y tế nêu quan điểm.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, nêu ý kiến thành phố có thể đóng cửa các quán ăn nhỏ lẻ, các quán ăn lớn nếu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19 thì có thể duy trì hoạt động.
“Chúng ta đang đối diện với một vấn đề khó, phần lớn quán ăn nhỏ đều là các hộ gia đình. Giống như các trường hợp vừa qua, vì một quán ăn mà phải phong tỏa cả con hẻm. Chúng ta cũng không thể khẳng định chắc chắn 100% người đến quán ăn sẽ khai báo y tế”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành tiếp tục thảo luận.
Tối 20/5, TP.HCM ghi nhận ca nghi mắc Covid-19 sinh sống tại hẻm 954, đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP.HCM. Người này có dấu hiệu khó thở, đau họng, mất vị giác và được xác định nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp này, các nhân viên y tế đã nhanh chóng đến nơi cư trú của bệnh nhân để điều tra dịch tễ.
Trong ngày 20/5, Bộ Y tế cũng công bố 3 ca mới mắc Covid-19 tại TP.HCM là người phụ nữ bán quán ăn tại quận 3 và 2 con gái.
Người phụ nữ mắc Covid-19 từng đến phòng khám Hòa Hảo ở quận 10. Hiện, phòng khám này đã được yêu cầu ngừng tiếp nhận bệnh nhân và kiểm tra những yếu tố liên quan ca nghi mắc Covid-19.
Sau 20 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, trưa 18/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM ghi nhận một trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tại chung cư SunView Town, đường Gò Dưa, TP Thủ Đức.
Tối 18/5, ngành y tế phát hiện thêm một ca nghi mắc Covid-19 ngụ phường Tân Kiểng, quận 7. Người này là đồng nghiệp của bệnh nhân ngụ ở TP Thủ Đức. Khai thác dịch tễ cho thấy người này từng đến Hải Phòng từ 24/4 đến 5/5. Ngày 8/5, bệnh nhân có dấu hiệu sốt và tự mua thuốc uống.
Cả 2 bệnh nhân trên được Bộ Y tế công bố xác định mắc Covid-19 vào hôm sau.