Ngày 11/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án Tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM. Đây là hai đề án đang được TP.HCM đem ra xin ý kiến các bộ, ngành.
Hạt nhân thúc đẩy kinh tế phát triển
Với đề án thành lập TP Thủ Đức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết trên cơ sở Nghị quyết số 623 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% được hai tiêu chí về dân số và diện tích, TP.HCM đã đề nghị sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp quận.
“Trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có quy định về thành lập thành phố trong thành phố”, ông Tân giải thích việc thành lập TP Thủ Đức là phù hợp quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức là phù hợp quy định của pháp luật. Ảnh: Quang Phúc. |
Đối với Đề án thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp ba quận: quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong - cho biết đây là mô hình “thành phố trong thành phố” theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo ông Phong, nơi đây dự kiến sẽ trở thành "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc.
Ông Phong cho biết qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn ba quận đã hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển thành phố.
Căn cứ kết quả nghiên cứu và cơ sở hạ tầng hiện tại, các định hướng, quy hoạch trong tương lai, TP Thủ Đức được kỳ vọng đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, chỉ thay đổi về cơ cấu, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện: giảm 3 quận (2, 9, Thủ Đức), tăng 1 thành phố (TP Thủ Đức với quy mô diện tích hơn 211 km2, dân số hơn 1.013.000 người).
TP Thủ Đức sẽ giảm 2 phường (thuộc Quận 2 cũ), còn lại 34 phường. Mô hình chính quyền cấp huyện gồm có HĐND và UBND TP Thủ Đức. Mô hình tổ chức chính quyền phường của TP Thủ Đức không có HĐND, chỉ có UBND phường - là cơ quan hành chính làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Tổ chức chính quyền đô thị, không thí điểm
Đối với Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong giải thích với quy mô dân số và mật độ dân cư cao nhất cả nước, quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải được triển khai nhanh, chính xác, hạn chế qua cấp trung gian.
Ông Phong nhấn mạnh TP.HCM có nhiều cơ sở thực tiễn để tiến hành đề án tổ chức chính quyền đô thị. Đặc biệt, thành phố đã có 7 năm kinh nghiệm từ thành công của quá trình thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên diện rộng, số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất cả nước (gồm tất cả 24 quận, huyện và 259 phường), từ năm 2009 đến 2016.
Báo cáo thêm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng với biến động kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh, dân cư tăng nhanh sẽ cần một bộ máy chính quyền đô thị hiện đại, có khả năng lập kế hoạch, sử dụng các tài nguyên, phát triển các dịch vụ hạ tầng đồng bộ, hiệu quả cao, đáp ứng nhanh.
Bởi vậy, đề án tổ chức chính quyền đô thị là nhằm giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, qua đó phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.HCM đối với vùng và cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Cho rằng Đề án tổ chức chính quyền đô thị ở TP.HCM là phù hợp với quy định của pháp luật, song nhiều đại biểu băn khoăn khi chủ trương này được áp dụng ngay mà không thí điểm như Hà Nội và Đà Nẵng đã làm.