Sau hơn 2 tháng TP Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động (23/1-27/3), chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với UBND TP Thủ Đức và các sở, ngành TP.HCM để thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố mới trong năm 2021.
Cuộc họp kéo dài 3 giờ với hơn 10 ý kiến thảo luận, góp ý cho định hướng phát triển của TP Thủ Đức năm 2021, đặc biệt là các cơ chế đặc thù. Trong phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhắc nhở 2 nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố mới cần đặc biệt chú trọng. Đó là quy hoạch chung và định hướng mô hình phát triển cho thành phố.
Quy hoạch không tốt sẽ phải trả giá
Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng về cơ chế phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức, Chủ tịch TP.HCM bày tỏ băn khoăn về chỉ tiêu thu ngân sách 8.327 tỷ đồng trong năm 2021 của TP Thủ Đức.
Xét về quy mô dân số thì TP Thủ Đức hơn Đà Nẵng và chúng ta ở một tâm thế khác. Các lãnh đạo cần xác định mình phải hành động như thế nào
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
"Phải phấn đấu đạt 10.000 tỷ. Hình thành một thành phố, triển khai các cơ chế đặc thù thì không thể thu như vậy, phải xác định trên cơ sở tiềm năng của thành phố", lãnh đạo TP.HCM yêu cầu.
Dù dự toán thu ngân sách này đã được HĐND TP.HCM duyệt trong kỳ họp chuyên đề vừa qua, ông Phong nhắc lại TP Thủ Đức phải nỗ lực để vượt qua chỉ tiêu thu ngân sách 10.000 tỷ đồng. Theo ông, nơi đây ít nhất phải đặt mục tiêu phấn đấu vượt qua thu ngân sách của quận 1 (19.000 tỷ đồng).
Đề cập đến tỷ lệ giải ngân, ông Phong lưu ý đây là tiêu chí thể hiện năng lực quản lý của thành phố mới.
"Xét về quy mô dân số thì TP Thủ Đức hơn Đà Nẵng và chúng ta ở một tâm thế khác. Các lãnh đạo cần xác định mình phải hành động như thế nào", Chủ tịch TP.HCM nhắc nhở.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao nhiều nhiệm vụ cho TP Thủ Đức trong năm 2021. Ảnh: Quang Huy. |
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị TP Thủ Đức xác định được mô hình kinh tế thay vì chỉ liệt kê những chỉ tiêu cụ thể. Chủ tịch Phong đặt câu hỏi mô hình kinh tế của thành phố là dịch vụ - công nghiệp hay công nghiệp - dịch vụ? Ông gợi ý phòng Kinh tế TP Thủ Đức cần thống kê số lượng, ngành, lĩnh vực hoạt động của từng doanh nghiệp, từ đó xác định tiềm năng kinh tế của thành phố.
Theo ông Phong, ngân sách chỉ là vốn mồi, còn nguồn lực kinh tế tập trung ở doanh nghiệp nên thành phố cần quan tâm đến việc phát triển các ngành kinh tế số.
Về quy hoạch, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhiều lần nhấn mạnh bằng mọi cách, TP Thủ Đức phải phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc để hoàn thành và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Thủ Đức vào cuối quý III/2021. Ông cho biết quy hoạch chung này là vấn đề mà TP.HCM "nợ" Trung ương khi đề xuất thành lập TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, đây cũng là công cụ quản lý hiệu quả của thành phố.
"TP Thượng Hải mấy chục triệu dân, có người hỏi một quan chức Thượng Hải là thành phố lớn quá thì quản lý kiểu gì. Người này chỉ trả lời bằng 2 chữ, đó là 'quy hoạch'. Nắm được quy hoạch là nắm được tất cả", Chủ tịch Phong kể lại bài học từ Trung Quốc và tái khẳng định quy hoạch không tốt sẽ phải trả giá.
Ủy quyền tối đa cho TP Thủ Đức
Phát biểu tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và các sở ngành, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu khẳng định thành phố rất quan tâm đến việc quản lý và lập quy hoạch cũng như phát triển hạ tầng.
Thành phố xin 'chính sách phù hợp' với cơ chế mới. Nếu không có cơ chế phù hợp thì sẽ ách tắc
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu
Về các đề xuất của Chủ tịch TP.HCM, ông Hiếu cho rằng nếu nhìn vào dư địa, TP Thủ Đức có khả năng đạt và vượt thu ngân sách 10.000 tỷ, vấn đề là phải có phân cấp. Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, TP Thủ Đức sẽ cố gắng hoàn thiện để chứng minh năng lực quản lý.
Theo ông Hiếu, TP Thủ Đức xác định mô hình phát triển kinh tế của thành phố là dịch vụ, thương mại, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng phải theo hướng chú trọng công nghiệp, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Bên cạnh đó, thành phố cũng nhận thấy có dư địa phát triển nhiều loại hình du lịch.
Nói về cơ chế đặc thù, Bí thư TP Thủ Đức cho biết thành phố đã và đang trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học để xác định cơ chế, chính sách phù hợp.
"TP Thủ Đức chưa xác định cơ chế đặc thù. Nếu đặc thù thì rất khó xin. Ở đây, thành phố xin 'chính sách phù hợp' với cơ chế mới. Nếu không có cơ chế phù hợp thì sẽ ách tắc", ông Hiếu nhận định.
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Quang Huy. |
Về nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án để cuối tháng 7 đăng ký vào chương trình làm việc của Quốc hội khóa mới. Trong lúc chờ đợi cơ chế đặc thù này, ông Phong giao Sở Nội vụ và Sở Tư pháp cùng UBND TP Thủ Đức hệ thống hóa các nội dung mà UBND TP.HCM có thẩm quyền, "ủy quyền tối đa" cho TP Thủ Đức. Các vấn đề vướng mắc cần báo cáo xin ý kiến, xử lý ngay.
Ông cũng giao TP Thủ Đức ban hành nghị quyết về định hướng phát triển cho TP Thủ Đức đến năm 2021 dựa trên nội dung văn kiện Đại hội Đảng của 3 quận cũ và định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của TP.HCM.
Về nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch TP.HCM giao TP Thủ Đức phấn đấu đạt thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95%.
"Sau khi thành lập TP Thủ Đức, nhiều người nói chỉ là tách ra, nhập vào. Do đó, người dân đang trông đợi chất lượng cuộc sống thay đổi", ông Phong nói và nhấn mạnh TP Thủ Đức phải có động thái cụ thể. Ông kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành cực tăng trưởng trong tương lai.
Bình luận