Chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của UBND TP Thủ Đức. Sau hơn 2 tháng thành lập và đi vào hoạt động, chính quyền thành phố trực thuộc TP.HCM nhận định còn tồn tại một số khó khăn nhất định.
"Dù TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2026, vẫn còn nhiều điểm khúc mắc cần được giải quyết. Trong đó, cách làm việc, tâm tư, tình cảm cán bộ cần được quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng sau quá trình sáp nhập", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ.
Giải quyết vấn đề của 3 quận cũ
Theo lãnh đạo chính quyền UBND TP Thủ Đức, song song với việc sáp nhập 3 quận (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức cũ), thành phố mới đang phải giải quyết các vấn đề tồn đọng như vụ việc của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2 cũ) hay Khu Công nghệ cao (quận 9 cũ).
TP Thủ Đức đang được giao thực hiện một số dự án từ nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng là thách thức lớn của TP Thủ Đức.
"Giống như 3 quận trước đây, nhiều dự án trên địa bàn chưa thể giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông. Chúng tôi đã đề xuất những buổi làm việc riêng với các sở, ngành nhằm tháo gỡ dứt điểm những tồn tại này", ông Hoàng Tùng thông tin.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong làm việc với TP Thủ Đức. Ảnh: Quang Huy. |
Về vướng mắc khác liên quan đến công tác đối ngoại, tiếp các đoàn ngoại giao được TP Thủ Đức nêu là hiện tại, khi tiếp các đoàn khách, TP Thủ Đức cần xin ý kiến từ lãnh đạo UBND TP.HCM trước khi thực hiện. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất UBND TP.HCM cho phép rút ngắn công đoạn này để giảm thiểu thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hành chính mới được tiếp cận các nguồn đầu tư nước ngoài.
"Về tổ chức bộ máy, TP Thủ Đức hiện tại có quy mô tương đương đơn vị hành chính cấp huyện dù có quy mô lên tới hơn 1,2 triệu người nhưng chưa có quy định cụ thể nào cho một đơn vị như vậy", ông Hoàng Tùng nêu thực trạng.
Lãnh đạo UBND TP Thủ Đức kiến nghị trước khi hình thành các cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức, gỡ vướng các vấn đề liên quan đến nghị định, thông tư, các sở, ngành cần ưu tiên về mặt thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ cho đơn vị hành chính này.
Kiến nghị được giữ nguồn thu tiền sử dụng đất
Theo quyết định 54/2016 của TP.HCM, các quận, huyện không được hưởng nguồn thu tiền sử dụng đất mà phải nộp về ngân sách thành phố. Để tăng tính chủ động, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách, TP Thủ Đức đã kiến nghị được giữ lại toàn bộ nguồn tiền trên.
Thành phố trực thuộc TP.HCM cũng kiến nghị được sử dụng, quản lý 100% nguồn thu được từ đấu giá tài sản, trụ sở, công sản dư dôi sau khi sắp xếp. Lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết việc chủ động nguồn thu này sẽ giúp TP Thủ Đức dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức kiến nghị được tăng ủy quyền một số lĩnh vực. Ảnh: Quang Huy. |
Đối với một số nguồn thu thuộc thẩm quyền của Cục Thuế TP.HCM và UBND TP.HCM, Thủ Đức mong muốn được giao quản lý thêm một số đối tượng có mức nộp thuế lớn như Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao, các khu chế xuất, khu công nghiệp...
Theo quy định hiện hành, các quận, huyện được hưởng thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 18%. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức mong muốn được chấp thuận nâng tỷ lệ này lên 23%.
UBND TP Thủ Đức phân tích sau 5 năm, nguồn thu này sẽ giúp TP Thủ Đức tăng thêm 1.296 tỷ đồng tiền ngân sách. Số tiền này sẽ giúp TP Thủ Đức chủ động trong đầu tư công, đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng, đô thị.
"Trước khi có đề xuất riêng về cơ cấu tổ chức bộ máy, TP Thủ Đức xin kiến nghị hình thành một số trung tâm mới như Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Khoa học Công nghệ, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Trung tâm Công tác xã hội", Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề xuất.