Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP HCM cởi mở để đón sóng đầu tư

Cởi mở đón sóng đầu tư là cách mà TP HCM đã làm từ mấy chục năm qua, để trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

“Vui lòng khách đến, vừa lòng khách... đầu tư”

Một chuyên gia nói với Tiền Phong rằng, nếu bạn đến một vùng đất không mến khách, không lịch sự, nhiều nhiễu nhương, chắc chắn bạn sẽ không muốn quay lại, chưa nói đến ý tưởng sẽ gắn cuộc sống mình vào đó. Với tư tưởng này, TP HCM chào đón các nhà đầu tư với một thái độ cởi mở và nghiêm túc. Đây là điểm hấp dẫn lớn nhất, tạo niềm tin đối với hàng nghìn nhà đầu tư từ trước tới nay.

Ở góc độ lãnh đạo thành phố, mặc dù đã đạt được những con số khá ấn tượng, đang là địa phương đứng đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI, tuy vậy, ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP HCM vẫn cho rằng, còn rất nhiều việc cần phải giải quyết về chính sách, thủ tục, cơ chế nữa, mới có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của các nhà đầu tư và đón được làn sóng đầu tư mới.

TPHCM thay da đổi thịt từ sự thu hút nguồn vốn FDI. Trong ảnh: Một góc đường hoa Khu đô thị Phú Mỹ Hưng quận 7. Ảnh: Lê Nguyễn.

Trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố đầu năm 2015, ông Hải hứa với hàng trăm nhà đầu tư lớn đến từ các nước, thời gian tới sẽ quyết liệt chỉ đạo các cấp không gây nhũng nhiễu, khó dễ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giải quyết công việc. Phải làm thế nào để rút ngắn thời gian tối đa trong giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư.

Người đứng đầu TP HCM cũng nhấn mạnh, ít nhất trước mắt phải giảm được 30% thời gian xử lý đối với các hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư và các thủ tục có liên quan. Phải triển khai đăng ký đầu tư trực tuyến, với thời gian giải quyết được rút ngắn xuống khoảng một nửa so với nộp hồ sơ theo hình thức thông thường.

Những quyết liệt của TP HCM đã giúp cho thành phố này luôn dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, và cũng là địa phương có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường để thu hút nguồn vốn quan trọng này.

Dẫn chứng từ số liệu tổng kết của UBND TP HCM mới đây cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 5.310 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 36,28 tỷ USD.

Năm 2014, ước tính các doanh nghiệp trong khối này đã nộp ngân sách gần 1,74 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước, khoảng 1,27 tỷ USD và khối doanh nghiệp tư nhân, khoảng 1,43 tỷ USD.

Trong năm 2014, khu vực có vốn FDI xuất khẩu 11,2 tỷ USD, chiếm 38,4% trong tổng giá trị xuất khẩu của thành phố. Điều đáng nói, khu vực FDI đóng góp 23,8% trong tổng số GDP của phành phố, góp phần quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo hướng tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đổi thay nhờ FDI

Hồi sinh nhiều dòng “kênh chết”. Ảnh: Hữu Huy.
“Thành phố này đã thay da đổi thịt có phần đóng góp rất lớn từ doanh nghiệp FDI”, ông Lê Thanh Hải bày tỏ. Ông nói ngoài tạo ra việc làm cho khoảng 22% lực lượng lao động nơi đây, các doanh nghiệp FDI còn mang lại công nghệ, kỹ thuật, phương thức và bí quyết kinh doanh và “đây mới là yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Để có được những con số ấn tượng trên, nhiều chuyên gia và cả lãnh đạo thành phố đều đánh giá, chính là nhờ vào thái độ cởi mở nhưng nghiêm túc của các cơ quan quản lý. “Đây là yếu tố nồng cốt và thiết thực trong việc thu hút khách hàng, mà ở đây là đầu tư nước ngoài”, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM nói trong buổi gặp gỡ các doanh nghiệp FDI tại TP HCM mới đây.

Tòa tháp búp sen cao nhất TPHCM. Ảnh: Lê Nguyễn.

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, cải cách các thủ tục hành chính là mục tiêu số một trong thành quả thu hút nguồn FDI. Theo ông, chính sách về đất đai với các dự án FDI được thực hiện thí điểm chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hạ tầng, chuyển nhượng nhà ở gắn liền với đất có hạ tầng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thành công, và là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định 84 sau này.

Ông Rê nói thêm rằng, trong nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, TP HCM đã đạt được nhiều kết quả, khi đã giảm được 10 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 26 thủ tục, thay thế 5 thủ tục và bãi bỏ 144 thủ tục.

“Thành phố đã cập nhật 241 thủ tục hành chính vào cơ sở dữ liệu quốc gia, để các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Điểm nhấn nổi bật là dự án “văn phòng không giấy” được triển khai, với hệ thống một cửa điện tử. Điều này ít nhiều làm hài lòng các nhà đầu tư của hơn 3.000 văn phòng đại diện từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm ăn tại địa phương”, ông Rê cho hay.

Với ông Yasuzumi Hirotaka - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM, sự cởi mở trong thu hút đầu tư của thành phố đã khác biệt nhiều so với trước đây. Dù còn một vài vướng mắc nhỏ, ông Võ Quang Huệ, Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam, thừa nhận sự quyết liệt trong đổi mới cơ chế đầu tư, giúp cho các doanh nghiệp châu Âu càng tin tưởng vào TP HCM.

“Chúng tôi luôn chọn TPHCM làm điểm đến trong đầu tư, và hy vọng sức hút nơi đây không giảm sút”, ông Huệ nói với Tiền Phong.

Ngoài nhờ nguồn vốn từ FDI, sự hồi sinh của nhiều công trình mang dấu ấn tại thành phố 10 triệu dân, còn có sự mạnh dạn triển khai các hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BTO. Dự án đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi do Tập đoàn GS E&C thực hiện, là dự án BT đầu tiên của nước ngoài thí điểm tại TP HCM đem lại hiệu quả cao.

Chào 40 năm, dự án cải tạo kênh Tân Hoá - Lò Gốm đi qua 5 quận ở TP HCM cũng được khánh thành sau 5 năm nạo vét, cải tạo cảnh quan với số tiền 162 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới tài trợ gần 129 triệu USD. Từ dòng “kênh chết”, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và giờ là Tân Hóa - Lò Gốm đang hồi sinh mạnh mẽ, giúp thay đổi bộ mặt thành phố và cải thiện đời sống của hàng triệu người dân.

“Nhà đầu tư và chính quyền như hai bàn tay. Nếu cùng phối hợp nhịp nhàng thì vỗ mới kêu to”, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải ví von. Và theo ông, ngoài chính sách cởi mở, chính quyền phải xem khó khăn của doanh nghiệp cũng như khó khăn của mình, thì mới sớm tháo gỡ được.

“Chính quyền phải giải quyết các vướng mắc của các doanh nghiệp FDI nhanh nhất, bên cạnh kiểm tra việc thực thi công vụ của công chức nhà nước. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, khi ấy nhà đầu tư mới xem thành phố là nơi đáng đến”, ông Hải chỉ đạo.

http://www.tienphong.vn/kinh-te/tphcm-coi-mo-de-don-song-dau-tu-854678.tpo

Theo Ngọc Lâm/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm