20.000-25.000 đồng vẫn ít người mua
Một quầy bán bánh Lý Đồng Khánh tại đường Quang Trung, quận Gò Vấp treo bảng giá mới còn 20.000-25.000 đồng mỗi chiếc. Tuy nhiên, người mua không nhiều. Đại diện quầy hàng cho biết, trước và trong dịp Trung thu, đơn vị này khuyến mại mua 1 tặng 3, nhưng nay giảm giá mạnh mà sức mua vẫn ế ẩm. Hơn 800 chiếc bánh tồn đọng nhiều khả năng phải mất 10 ngày mới có thể đẩy đi hết.
Một điểm bán khác của thương hiệu Sài Gòn Đồng Khánh nằm cách đó không xa cũng trong tình trạng tương tự. Theo chị Minh, đại diện cửa hàng, 3 hôm trước, khách mua 1 được tặng 2 nhưng nay được tặng 3, 4. Hiện tại, hai dòng bán chạy nhất là nhân đậu xanh, khoai môn, còn loại dừa, đậu đỏ và bánh mặn hầu như không có người mua.
Tại quầy hàng của chị Minh, hàng nghìn chiếc bánh mới cũ nằm xếp lớp trong 3 tủ kính. Loại trọng lượng lớn 800 gr đến 1,2 kg có giá phổ biến 300.000-500.000 đồng một chiếc, chỉ bằng 1/3, 1/4 so với đầu mùa cũng ế chỏng chơ.
Nhiều cửa hàng dọc đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), Quốc lộ 13 (Thủ Đức) cũng ồ ạt tung chiêu giảm giá trực tiếp. Mức trung bình hiện tại chỉ 20.000-30.000 đồng một bánh ngọt, 25.000-40.000 đồng bánh mặn. “Hình thức này không khác nhiều so với khuyến mại mua 1 tặng 3-4 nếu cửa hàng ưu đãi thực. Tuy nhiên, đến lúc này, nhu cầu của khách chủ yếu mua ăn nên cửa hàng chọn giảm giá trực tiếp để nhanh đẩy hàng đi", một người bán chia sẻ.
Sau rằm tháng 8, các hàng bánh trung thu treo bảng đồng giá 20.000-25.000 đồng một chiếc. Ảnh: Nguyễn Trí. |
Ồ ạt đẩy hàng gần hết hạn
Trong khi đó, những cửa hàng hiện còn từ vài trăm cho đến trên dưới nghìn cái đều khẳng định sẽ phải giảm thêm do hàng sắp đến hạn sử dụng.
Theo ghi nhận của Zing.vn, các dòng bánh thương hiệu Kinh Đô, Như Lan chỉ có hạn sử dụng phổ biến 3-5 ngày, Đồng Khánh khoảng 10 ngày, tính từ ngày 27/9. Với áp lực bán chạy "date", nhiều cửa hảng phải đẩy mạnh khuyến mại để kích cầu.
“Giá như hiện tại đã bằng với giá gốc. Sắp tới, bán không hết, chắc chúng tôi phải giảm nữa vì tiền thuê mặt bằng mỗi ngày lên đến cả triệu. Để lâu cũng lỗ, bán sớm cũng lỗ thì để làm gì”, chị Minh nói.
Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, chiêu khuyến mại luôn được thay đổi với “công thức chung" là càng ngày bánh càng rẻ. Ngoài giảm giá rầm rộ, một số cửa hàng còn chọn cách gom bánh về một điểm để đỡ chi phí thuê nhân viên, mặt bằng và cố gắng bán càng sớm càng tốt.
Không chỉ bánh bình dân, một số thương hiệu lớn cũng giảm giá mạnh đối với những đợt hàng nhập về muộn. Với mức giảm giá của dòng bánh thương hiệu này, người bán cho hay cửa hàng chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ vốn vì được chiết khấu không nhiều.
Người mua lo người bán thay vỏ bánh
Nhiều người tiêu dùng không khỏi thắc mắc khi thấy nhiều loại bánh có hạn sử dụng cuối tháng 9 đến hết tháng 10.
“Hôm bữa, thấy loại bánh được người Sài Gòn chuộng có hạn sử dụng tới cuối tháng 10 tôi cũng thắc mắc là Trung thu qua rồi họ nhập thêm làm gì nữa, không biết có tình trạng "rượu cũ bình mới" không?”, một người dân nói trong nghi ngờ.
“Đầu mùa, cái bánh Đồng Khánh chỉ 210 g bán tới 150.000-160.000 đồng một cái, có loại 200.000 đồng. Giá cao nên đâu ai dám mua, giờ cuối mùa 'giẫy chết' là phải. Nói thế chứ đầu mùa lời quá, cuối mùa cũng phải trả lại chút ít”, anh Tuấn, một khách hàng tại Thủ Đức nói. Nhiều khách hàng cũng cho biết, bánh trung thu là thứ "ăn chơi" vì rất nhanh ngán. Do đó, người mua chỉ mua 1-2 cái.
Trong khi đó, theo khách hàng hiện trên thị trường quá nhiều thương hiệu, được bán theo kiểu “thượng vàng hạ cám” nên người mua không biết đặt niềm tin ở đâu.
Theo ghi nhận, những thương hiệu có hạn sử dụng dài, thậm chí đến tháng 11 gồm có Sài Gòn Đồng Khánh, Hữu Hạnh Đồng Khánh, Lý Đồng Khánh... Lý giải về "date", nhiều cửa hàng cho biết họ nhập thêm vì tưởng bán được, chứ không có chuyện đổi vỏ.