Trong ngày 27/9 (15/8 âm lịch), nhiều quầy bánh trung thu trên đường Lê Văn Lương, Trung Kính, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Cừ… ở Hà Nội tháo bạt nghỉ bán. Phần lớn chủ hàng cho biết sẽ không giảm giá cho đến phút cuối cùng. Nhiều người còn bán nốt lạc quan cho biết, sẽ không ế bánh vì sức mua mấy ngày nay tăng mạnh.
Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một kiốt bánh trung thu ở Đỗ Đức Dục (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, sức mua năm nay giảm mạnh. Với lượng bánh còn lại trong quầy, dự kiến chị bán hết ngày nay, khả năng vẫn còn dư gần 100 chiếc. Tuy vậy, chị vẫn bán theo giá niêm yết, không giảm giá.
Phần lớn các quầy hàng không giảm giá dù 27/9 là ngày bán cuối cùng. Ảnh: Ngọc Lan. |
Chủ hàng này lý giải, đây là quy định chung của công ty phân phối bánh đối với các đại lý. Theo đó, chị không được tăng hay giảm giá trong suốt mùa trung thu. "Hàng ngày, phía công ty có nhân viên lưu động đến các quầy hàng. Họ theo dõi điều phối lượng bánh cũng như giám sát hoạt động. Nếu vi phạm, đại lý sẽ bị phạt theo quy định trong hợp đồng", chị Thanh cho hay.
"Theo hợp đồng, nếu đại lý còn dư bánh, công ty sẽ chịu trách nhiệm thu hồi. Đơn vị kinh doanh không mất bất kỳ một khoản tiền nào. Tuy nhiên, phía đại lý cũng phải cân đo sao cho lượng bánh bị ế không quá lớn", chủ hàng này cho biết thêm.
Đang chỉ đạo thợ dỡ bỏ quầy, anh Lợi, chủ một điểm bán bánh ở đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hôm nay là ngày bán cuối cùng. Đến đầu giờ sáng nay, toàn bộ bánh đã bán hết theo giá niêm yết trong bảng treo tại quầy. Sức mua năm nay giảm nên anh quyết định nghỉ sớm, tránh tình trạng "tham bong bóng bỏ ngọng trâu".
Thay vì giảm giá bánh sai quy định của hãng đề ra, nhiều quầy hàng khuyến mại đồ chơi, con giống để kích cầu. Ảnh: Ngọc Lan. |
Anh Lợi cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, anh ước lượng sức mua của khách để lấy bánh. Do đó, bánh được nhập về thành nhiều đợt, tránh tồn đọng quá nhiều. Ngày 14-15/8 âm lịch được coi là ngày vàng để bán bánh trung thu. Song năm nay, hàng tiêu thụ chậm, nhập thêm về bán cũng không đáng kể.
Mặc dù sức mua giảm, nhưng kinh doanh bán trung thu cũng mang về cho anh Lợi một khoản thu nhập không nhỏ. Anh cho biết, tổng chi phí bỏ ra (thuê mặt bằng, nhân viên, nhập bánh,…) hết khoảng 200 triệu đồng. Trừ các chi phí, anh cũng thu về được khoảng 1/3. Song công sức và thời gian anh Lợi phải bỏ ra rất nhiều.
Cũng khẳng định dù ế cũng không giảm giá, anh Cẩn, quản lý hàng bánh trung thu kế bên cho biết, sẽ bán hết đêm nay, sáng mai (28/9) dỡ quầy.
Để kích cầu, thay vì giảm giá, chủ hàng này đưa ra chương trình, khách mua một hộp bánh được tặng một con giống trị giá vài chục nghìn đồng. Tuy vậy, người mua cũng không nhiều. Anh cho biết, kể từ đầu mùa tới giờ, mức tiêu thụ tốt khoảng 10 ngày cuối. Đặc biệt trong ngày 14-15/8 âm lịch, khách mua đông gấp 4-5 lần bình thường.
Nhiều quầy hàng bánh trung thu đã nghỉ bán sớm. Ảnh: Ngọc Lan. |
Không treo bảng thông báo giảm giá nhưng một số quầy bánh trung thu ở khu vực Khương Trung, Quán Sứ, nhân viên đưa mức chiết khấu 5-10% cho người mua 5-10 hộp bánh trở lên. Với bánh lẻ, lượng chiết khấu 10.000–20.000 đồng một đơn hàng.
Công khai treo biển giảm giá bánh trung thu ngày bán cuối, nhưng mức giảm tại các hàng tạp hóa cũng chỉ ở mức chỉ 5-10%.
Theo chị Xuân, chủ một hàng tạp hóa tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thông thường, các hãng chiết khấu cho hàng bán lẻ 20% trên một loại bánh. Do đó, với mức giảm 10%, chủ tạp hóa vẫn có lời.
Chia sẻ về quy định bán bánh, chủ hàng tạp hóa cho hay: “Dù theo hợp đồng ký với hãng, mình không được tự ý tăng hay giảm giá, nhưng nay là ngày bán cuối cùng, xả hàng để tránh bị ế. Đại lý nhỏ lẻ nên nhân viên cũng không giám sát”.
Theo nhân viên giám sát, phân phối một hãng bánh lớn ở Hà Nội, hiện số lượng hàng trong kho cũng không còn. Phía công ty đã ngừng sản xuất. Để đảm bảo lợi ích cho các đại lý, trong suốt mùa trung thu, hãng bánh này chủ động trong việc luân chuyển bánh từ cửa hàng tồn nhiều sang các quầy khác. Việc này nhằm tránh tình trạng thiếu thừa cục bộ và cũng để giảm tổn thất của công ty khi phải thu hồi bánh ế.